Ngày đầu tiên của tháng 11/2023, những trận mưa lớn tiếp tục trút xuống nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nguyên, nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét tại 11 tỉnh, thành.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 1/11 đến ngày 3/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa từ 90-170mm, có nơi trên 300mm; khu vực Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai lượng mưa thấp hơn với 30-70mm, có nơi trên 90mm. Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị giảm mưa lớn.
Ngoài ra, trong hôm nay, ở khu vực Khánh Hoà, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng lưu ý, trong những giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, .Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...
Cũng theo cơ quan khí tượng, hiện nay, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có dao động. Mực nước lúc 13h ngày 31/10 trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 1,55m, trên báo động (BĐ) 1 là 0,05m; các sông khác còn dưới mức BĐ1.
Đến ngày 2/11, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bắc Bình Định, Bắc Phú Yên lên mức BĐ1- BĐ2, có sông trên BĐ2.
Cơ quan khí tượng lưu ý, tác động của mưa lớn cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngày 3/11, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng đã ký ban hành công điện hoả tốc về việc chủ động ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân tại miền Trung và Tây Nguyên.
Cục đường bộ Việt Nam gửi công điện tới các Khu Quản lý đường bộ II, III, IV, Sở GTVT các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước…
Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.
Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bj sạt lở…kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi qua khi còn có nguy cơ không đảm bảo an toàn.
Tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ ở khu vực trung du và miền núi.
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng đến đó; tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương.
Đối với các vị trí sạt lở lớn gây ách tắc giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam lưu ý các đơn vị, địa phương phải cử ngay Lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ, Lãnh đạo Sở GTVT phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương đến hiện trường, triển khai ngay các phương án phân luồng giao thông từ xa, khẩn trương khắc phục sự cố huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.
Cục cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h đồng thời phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h và phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ.