Một lượng lớn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong 9 tháng tiếp tục đến từ Thái Lan, với 26.599 chiếc, tổng giá trị hơn 484 triệu USD.

Tiếp đó là Indonesia (15.860 xe, tổng giá trị khoảng 281 triệu USD). Xe nhập khẩu từ hai thị trường này chủ yếu là xe du lịch dưới 9 chỗ.

Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường lớn xuất xe sang Việt Nam với 6.349 chiếc, giá trị gần 140 triệu USD.

Đó còn là Trung Quốc (6.136 chiếc), Ấn Độ (5.432 chiếc), Mỹ (2.528 chiếc)…Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 9 tháng đầu năm nay giảm cả về lượng và trị giá.

Lý giải nguyên nhân này, nhiều showroom ô tô thừa nhận, càng gần cuối năm, người tiêu dùng càng có tâm lý chờ đợi dòng xe bình dân giảm giá, bởi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, thay vì 30% như 2017.

Bởi vậy, lượng xe bán ra chậm, các hãng cũng phải giảm tốc việc nhập khẩu và lắp ráp xe để tránh bị ứ đọng.

Minh chứng cho câu chuyện này là thực tế nhiều hãng xe phải liên tục giảm giá, tung ra các chương trình khuyến mãi khoảng 6 tháng trở lại đây.

Đơn cử như Toyota Việt Nam hay Honda Việt Nam, vốn không biết đến việc giảm giá chính thức trong nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, nhưng vừa qua đã có nhiều chương trình khuyến mại hay chủ động đưa ra những mức giảm giá xe lên tới cả trăm triệu đồng.

{keywords}

Thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, thay vì 30% như 2017.

Ông Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, khi nói về tâm lý chờ đợi của các “thượng đế” để mua được xe rẻ hơn, cho rằng, đây là thời điểm tốt để mua xe bởi các hãng có rất nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá nhằm đưa ra mức giá tốt nhất.

Mặc dù việc mạnh tay giảm giá, khuyến mãi khủng của nhiều hãng xe còn đến từ áp lực giảm giá của các đối thủ trong nước như Trường Hải hay Thành Công, nhưng có thể nói, cuộc đua giảm giá bán xe này, vô hình trung, cũng tạo thành vòng luẩn quẩn khi hình thành tâm lý chờ đợi tiếp tục giảm giá bán xe từ phía người tiêu dùng.

Nhấp nhổm với doanh số bán hàng

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng tháng 9/2017 của toàn thị trường ô tô Việt Nam giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 4% so với tháng 8/2017. Đà đi xuống này đã diễn ra trong khoảng 3 tháng gần đây.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, lượng tiêu thụ ô tô toàn thị trường đạt 184.843 chiếc, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng tiêu thụ xe ô tô du lịch giảm 7%; xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng lượng ôtô nhập nguyên chiếc vào Việt Nam là 71.559 chiếc, tổng trị giá khoảng 1,55 tỷ USD (giảm 7,7% về lượng và 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái). Tính tới ngày 15/10, con số này lần lượt là 74.112 xe và 1,61 tỷ USD (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Đối với các thành viên VAMA, trong tháng 09/2017, lượng tiêu thụ đạt 19.257 chiếc, giảm 20% so với cùng kỳ 2016 và giảm 7% so với tháng trước đó. Về lượng tiêu thụ của các thành viên VAMA, trong tháng này, doanh số bán hàng của hầu hết thành viên đều giảm.

Theo đại diện VAMA, các dòng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện có thuế phí ổn định, không thay đổi. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc giá xe giảm liên tục hoặc có khuyến mãi là do doanh nghiệp tự giảm chi phí và đặc biệt là lợi nhuận.

Thực tế, rất nhiều mẫu xe khó lòng có điều kiện để giảm giá tiếp trừ phi bán... lỗ.

Tuy vậy, thông tin về giảm thuế nhập khẩu linh kiện hay thuế tiêu thụ đặc biệt theo sản lượng sản xuất tại Việt Nam có thể khiến chi phí sản xuất một số loại xe giảm, từ đó doanh nghiệp có điều kiện giảm tiếp giá bán.

(Theo Báo đầu tư)