W-nguyen-hue-ha-giang-1.jpg

Bạc hà thuộc loài cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên nương rẫy, sinh trưởng, phát triển ở độ cao 1.000 – 1.500m và khó có khả năng gieo hạt. Hoa bạc hà có màu tím hồng, nở vào độ từ tháng 9 tới tháng 12 (Âm lịch). Mật ong hoa bạc hà được khai thác từ loài cây đặc trưng của vùng cao nguyên đá.

W-lkn-0862-1.jpg

Thời điểm này đang vào mùa hoa bạc hà, đi dọc quốc lộ 4C đi các huyện ở Hà Giang dễ dàng gặp những lán nuôi ong. Mỗi tổ đặt cách nhau ít nhất 2m được che chắn cẩn thận, lối đi của các tổ không được đặt đối diện nhau.

W-nguyen-hue-ha-giang-10-1.jpg

Khi hoa bạc hà nở, người nuôi bắt đầu di chuyển ong từ các huyện vùng thấp đến khu vực cao nguyên đá. Ong có thể bay đi lấy mật trong bán kính hàng chục km. 

W-nguyen-hue-ha-giang-12-1.jpg

Chính vì vậy mà người nuôi ong ở đây sống du mục. Họ phải đưa những thùng ong tới nơi có hoa để khai thác mật. Hàng trăm thùng ong trải khắp thung lũng.

W-nguyen-hue-ha-giang-29-1.jpg

Thông thường mỗi con ong chúa sống 6-8 tháng, ong thợ sống 45 ngày. Để giữ đàn ong, khi hết mùa, ong được di chuyển đến những vùng có hoa để dưỡng ong như Tuyên Quang, Hưng Yên,...

W-nguyen-hue-ha-giang-17-1.jpg

Chị Nguyễn Ánh Vân (huyện Đồng Văn) làm công việc khai thác mật nhiều năm nay. Đến nay, gia đình chị có 1.500 đàn ong với các điểm đặt ở xã Sủng Chánh và xã Lũng Phìn. 

W-img-9897-1.jpg

Những ngày này, chị Vân cùng mọi người trong gia đình tất bật vào vụ hu hoạch mật ong hoa bạc hà. Chị cho biết: "Với giá bán từ 500.000 đồng - 800.000 đồng/lít. Thời điểm doanh số thu hoạch mật cao nhất (khoảng 4.000 lít) có thể thu về từ hơn 2 tỷ đồng".

W-thach-thao-17-2.jpg

Cũng theo chị Vân, khó khăn của công việc này là chăm nuôi vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, ong giống bị chết nhiều. Nguồn cây bạc hà tự nhiên ngày càng ít hơn, dù nhân giống nhiều lần nhưng không thành công. 

W-nguyen-hue-ha-giang-35-1.jpg

Mỗi tổ ong hình chữ nhật đặt từ 4-5 chiếc khung sáp. Ong đi kiếm mật tùy thời tiết 10-12 ngày cho thu hoạch.

W-nguyen-hue-hg-1.jpg

Khi đưa khai mật về người nuôi sẽ cắt bỏ phần đầu giếng mật để đưa vào lồng quay. Chất lượng của mật ong phụ thuộc vào chất lượng hoa bạc hà theo từng năm có nở rộ hay không, phụ thuộc vào khí hậu và cả kỹ năng quay mật,…

W-nguyen-hue-ha-giang-51-1.jpg

Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc…. Đây được coi là một vị thuốc với những dược tính đặc biệt như bồi bổ sức khỏe, có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa.

W-lkn-3391-2.jpg

Năm 2013, mật ong bạc hà của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Hiện nay mật ong bạc hà đã là một trong các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh Hà Giang.

W-thach-thao-13-1-2.jpg

Nghề nuôi ong và khai thác mật ong bạc hà đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. Theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, tỉnh Hà Giang đã đưa ra chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn trong đó có nuôi ong.