Bố con cãi nhau vì mua thuốc online
Đã rất nhiều lần, gia đình ông Đ.Q.T (SN 1965) ở huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình, xảy ra mâu thuẫn vì thói quen mua thuốc trên mạng của ông để tự chữa bệnh.
Ông T. mắc nhiều bệnh liên quan đến dạ dày, xương khớp và mất ngủ nên rất hay tìm các loại thuốc nam để uống. Từ khi có điện thoại thông minh, ông hay vào xem livestream bán thuốc rồi vào đọc bình luận phía dưới bài đăng sau đó tự mua về dùng.
Chị Đ.H.Y. (con gái ông T.) cho biết: “Lúc thấy bố mua thuốc trên mạng, chúng tôi cũng có can ngăn, số tiền cũng khoảng vài trăm ngàn. Sau khi uống được vài ngày, bệnh của bố tôi có đỡ nên từ đó lại càng tin vào những lời quảng cáo”.
Các loại thuốc ông T. mua qua mạng không thể hiện thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất, có loại còn đóng trong túi bóng dạng viên hoàn. Vì tin lời những người bán hàng, ông càng chi nhiều tiền hơn để mua thuốc. Sợ các con phát hiện ông còn dặn người giao hàng đưa thuốc vào thời gian các con đi làm.
“Hôm đó tôi về sớm thì có người đưa thuốc đến, thấy số tiền phải trả cho mấy lọ thuốc là hơn 1 triệu đồng nên bố con tôi đã cãi vã, suýt từ mặt nhau. Tôi cũng đề nghị chở bố đi viện khám nhưng ông không đi vì cho rằng thuốc Tây không thể lành được, trong khi các loại thuốc mà bố sử dụng cũng chỉ giúp bệnh tình đỡ được một vài hôm rồi đau lại”, chị Y. lắc đầu nói.
Khi được hỏi vì sao lại tin những lời quảng cáo đó, ông T. khẳng định, đó là thuốc của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… Tuy nhiên, ông không biết rằng các trang mạng này đều là giả mạo. Những bệnh viện lớn đều từng phát đi cảnh báo về tình trạng bị mạo danh để bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nguy kịch vì uống thuốc mua online
Không chỉ ông T., rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của những loại thuốc không rõ nguồn gốc này. Không chỉ mất tiền mua thuốc, họ còn phải nhập viện vì gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Gần đây là trường hợp bệnh nhân T.T.T. (SN 1977) bị thủng ruột do lạm dụng thuốc kháng viêm mua qua mạng xã hội. Bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá (Quảng Bình) trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trường này bị thủng tạng rỗng nên quyết định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện lỗ thủng kích thước 5mm ở mặt trước hành tá tràng nên bác sĩ đã tiến hành súc rửa và khâu lại lỗ thủng.
Bác sĩ Cao Ngọc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa cho biết thời điểm tiếp nhận, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nếu không kịp thời cứu chữa có thể chuyển biến xấu, nguy cơ tử vong.
“Bệnh nhân kể lại, do bị đau khớp nên đã đến nhà thuốc để mua thuốc tây về dùng nhưng bệnh không thuyên giảm nên mới tìm hiểu và mua thuốc trên mạng về uống suốt 3 tháng”, bác sĩ Anh nói. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp biến chứng do lạm dụng kháng viêm NSAID (thuốc giúp giảm đau, chống viêm).
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình, cho biết: “Người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, ở miền núi hay mua thuốc trên mạng vì tin theo những lời quảng cáo. Chỉ khi bệnh tình trở nặng, họ mới đến khám tại các cơ sở y tế. Việc này chúng tôi đã nói rất nhiều trong các cuộc giao ban với các phòng, ban và trạm y tế để khi về thôn, bản, nhân viên y tế sẽ tăng cường cảnh báo, khuyến cáo bà con, tránh việc bị lừa dẫn đến tiền mất tật mang”.