Báo cáo mới nhất của Deloitte và Mambu về thị trường mới nổi Mua trước trả sau cho các ngân hàng và nhà bán lẻ cho thấy, nhu cầu đối với các dịch vụ BNPL ngày càng tăng cao. Giá trị thị trường này dự kiến đạt 3,98 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 45,7%.
Báo cáo chỉ ra rằng một trong ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của BNPL là nhu cầu của người tiêu dùng về sự tiện lợi và khả năng chi trả. Dữ liệu gần đây từ Deloitte cho thấy hơn một nửa người tiêu dùng (56%) cho rằng, khả năng dùng thử sản phẩm trước khi thanh toán là động lực chính để sử dụng BNPL.
Các yếu tố tăng trưởng khác bao gồm sự chấp nhận rộng rãi của doanh nghiệp (vì các nhà cung cấp mong muốn thu được lợi ích từ BNPL, như tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình), cũng như sức kéo thị trường tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Theo dữ liệu của Worldpay, BNPL chiếm 2,9% thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 5,3% vào năm 2025.
Tại thị trường Việt Nam, BNPL đã gia tăng đáng kể trong năm qua, với khoản thanh toán BNPL trong nước dự kiến sẽ tăng 137,3% hàng năm để đạt 491,3 triệu USD trong năm nay. Toàn ngành dự kiến sẽ tăng trưởng 36,5% hàng năm. Những dự đoán này có mối liên hệ trực tiếp đến sự gia tăng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam. Với hơn 8 triệu người tiêu dùng mới trên các kênh số, thị trường thương mại điện tử đã đạt mức tăng trưởng 53% vào năm 2020.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp, việc cung cấp dịch vụ BNPL có thể giúp thu hút khách hàng hiện tại cũng như có thêm khách hàng mới. BNPL còn giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng bằng cách nâng cao trải nghiệm dịch vụ, và mang sự hài lòng ngay lập tức cho họ. Cách tiếp cận ngân hàng kết hợp (composable banking) đã được chứng minh giúp đẩy nhanh sự đổi mới, điều phối dễ dàng, tích hợp và tự động hóa các quy trình tài chính tùy chỉnh, từ đó rút ngắn thời gian tham gia vào BNPL của các ứng dụng phi ngân hàng như thương mại điện tử, từ vài tháng hoặc cả năm xuống chỉ còn vài tuần”.
BNPL hiện là động lực chuyển đổi và bán hàng chính cho các nhà bán lẻ và nhà cung cấp thương mại điện tử. Nếu doanh nghiệp chưa coi BNPL là động lực, họ cũng đang tìm kiếm một giải pháp tài chính nhúng có thể giúp họ thiết kế trải nghiệm BNPL với tốc độ nhanh và chi phí thấp. Điểm mấu chốt là BNPL là một động lực doanh thu mới, có khả năng nhanh chóng thêm các khoản thanh toán trả góp liền mạch vào thời điểm quyết định để thay đổi doanh nghiệp.
Báo cáo cũng xác định 5 nội dung cốt lõi dành cho các doanh nghiệp phát triển giải pháp BNPL trong môi trường ngày càng cạnh tranh: Giá trị - xác định và thấu hiểu nhu cầu của nhà bán lẻ và khách hàng; công nghệ và dữ liệu - phát triển hệ thống công nghệ với các giải pháp tối ưu nhất cho phép ra quyết định tức thời (real-time) cũng như tạo ra các giải pháp thế hệ tiếp theo mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng; rủi ro và tuân thủ - thiết kế khung rủi ro cung cấp lợi thế cạnh tranh, từ phát hiện và quản lý gian lận đến xác định khẩu vị, mô hình và chiến lược rủi ro; kỹ năng và năng lực - đầu tư vào năng lực chuyên ngành trong các lĩnh vực quan trọng để bổ sung cho đội ngũ hiện có của doanh nghiệp, cũng như xây dựng thương hiệu và tạo sự khác biệt cho sản phẩm trên thị trường; tiếp cận thị trường – lồng ghép các dịch vụ cung cấp vào một danh mục kinh doanh của doanh nghiệp và sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) ra thị trường.
Hồng Minh
Theo báo cáo mới nhất của CBRE châu Á, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành bán lẻ tại thị trường châu Á Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã và đang có những tín hiệu tích cực.