Theo Nikkei Asian Review, những bài hát nhạc pop Hàn Quốc thường được phát trên loa khi các nhân viên văn phòng ngắm nghía đồ ăn nhẹ và văn phòng phẩm tại cửa hàng tiện lợi GS25 ở phường Đa Kao (TP.HCM).

Mì ramen cay và bánh ngọt được xếp trên kệ, giống hệt các cửa hàng tại Seoul (Hàn Quốc).

Các nhà sản xuất Hàn Quốc như Samsung và LG đã đến Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước bởi chi phí lao động giá rẻ và dân số tăng nhanh. Giờ đây, các nhà bán lẻ Hàn Quốc cũng theo chân các nhà sản xuất đến Việt Nam.

Bởi thu nhập của người lao động ở Việt Nam tăng lên trong khi điều kiện tại thị trường quê nhà Hàn Quốc của họ trở nên xấu đi. Nhưng họ lại bước chân vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu địa phương và đối thủ từ Nhật Bản.

{keywords}
Lotte Shopping là nhà bán lẻ Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2008. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tấn công thị trường Việt Nam

Lotte Shopping, công ty con của gã khổng lồ Hàn Quốc, là nhà bán lẻ Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2008. Theo sau Lotte là E-Mart, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc.

E-Mart khai trương siêu thị đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 12/2015. Sau bước đầu thuận lợi của cửa hàng tại Gò Vấp, E-Mart lên kế hoạch thành lập một siêu thị khác vào năm sau.

“Cửa hàng E-Mart đầu tiên tại Việt Nam đang duy trì xu hướng tăng trưởng cao kể từ khi ra mắt, chúng tôi khác biệt với các thương hiệu khác nhờ các mặt hàng Hàn Quốc đa dạng, bao gồm đồ cay và bánh. Chúng tôi chuẩn bị mở cửa hàng thứ hai ở TP.HCM vào năm sau”, Nikkei Asian Review dẫn lời Kim Bo Bae, phát ngôn viên của E-Mart, cho biết.

Trong khi đó, GS Retail cũng thành lập một liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim của Việt Nam, điều hành 54 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu GS25.

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc tấn công vào thị trường Việt Nam sau khi bị nhiều đối thủ trực tuyến chiếm thị phần.

E-Mart và Lotte Shopping có khả năng đối mặt với rủi ro tín dụng vào năm tới bởi cuộc cạnh tranh với Coupang, nền tảng thương mại điện tử được SoftBank rót vốn, và công ty giao đồ ăn Market Curly, theo NICE.

“Sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các công ty trực tuyến khiến tốc độ tăng trưởng của các nhà bán lẻ truyền thống chậm lại vào năm 2019. Họ sẽ chứng kiến tăng trưởng thu nhập giảm tốc vào năm 2020 do sự cạnh tranh gắt gao về giá, chi phí tiếp thị và chi phí giao hàng”, Ahn Young-bok thuộc NICE bình luận.

Đối mặt với đối thủ Nhật Bản

Tồi tệ hơn, nhu cầu mua hàng truyền thống ở Hàn Quốc cũng giảm đi do dân số già và tỷ lệ kết hôn giảm. Điều đó dẫn đến xu hướng thích mua sắm trực tuyến hơn lái xe đến cửa hàng để mua đồ.

Theo số liệu từ chính phủ Hàn Quốc, tổng doanh thu bán lẻ truyền thống giảm xuống 16,7 nghìn tỷ won (14,2 tỷ USD) trong quý III/2019, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 300 tỷ won lên 8,1 nghìn tỷ won so với quý II/2019.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam mang đến cơ hội phát triển mà các nhà bán lẻ Hàn Quốc đã đánh mất ở quê nhà. Từ năm 2013 đến năm 2018, ngành bán lẻ tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 10,97%, theo Deloitte.

Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tăng 26,6% so với năm 2018.

{keywords}
Nhà bán lẻ thời trang nhanh Uniquo mới mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Nhưng những cơ hội lớn đã thu hút sự cạnh tranh gay gắt không chỉ từ các thương hiệu địa phương mà còn từ đối thủ Nhật Bản. Nhà bán lẻ thời trang nhanh Uniquo mới mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng này, thu hút đông đảo khách hàng trong ngày khai trương.

“Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn nhưng mức độ cạnh tranh cũng rất khố liệt. Trên mọi loại hình bán lẻ, chúng tôi chứng kiến các gã khổng lồ bán lẻ trong nước và nước ngoài bước vào cuộc chiến giành quyền thống trị”, ông Nguyễn Vũ Đức thuộc Deloitte Việt Nam nhận định.

Thị hiếu thay đổi có thể là yếu tố chính trong cuộc đua này.

Cuộc đua ngày càng khốc liệt

Trang Hà làm việc cho một công ty Hàn Quốc tại TP.HCM. Khi cô ở độ tuổi 20, Lotte Mart tại Quận 7 là địa điểm mua sắm, gặp gỡ yêu thích của cô và bạn bè. Vào thời điểm đó, Lotte Mart mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thuận tiện cho người tiêu dùng Việt Nam.

Thêm vào đó, sự phổ biến của phim truyền hình Hàn Quốc và làn sóng K-pop cũng khiến người dùng yêu thích các sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc. Nhưng đó là 5-6 năm về trước.

“Các nhà bán lẻ địa phương và ngoài nước mở cửa hàng trên khắp Hàn Quốc, cuộc đua thu hút khách hàng đang ngày càng khốc liệt”, Trang Hà nhận định.

Aeon và Takashimaya của Nhật Bản giờ đây là những cái tên được đề xuất khi cô và bạn bè chọn địa điểm giải trí. “Các nhà bán lẻ Nhật Bản thu hút người tiêu dùng địa phương vì cung cấp dịch vụ tốt hơn. Họ cũng có cách trang trí hấp dẫn vào những ngày lễ khác nhau”, cô nói thêm.

{keywords}

Các nhà bán lẻ Hàn Quốc phải cạnh tranh với các đối thủ từ Nhật Bản và thương hiệu địa phương. Ảnh: Deloitte.

Ngoài ra, các đối thủ địa phương cũng có nhiều lợi thế. Vingroup gia nhập thị trường bán lẻ từ năm 2004 với 122 siêu thị và 2.500 cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Ưu tiên của tập đoàn này là mở cửa hàng tại các vị trí đắc địa.

Tháng 12/2019, Vingroup tuyên bố sáp nhập các hoạt động bán lẻ với hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng của Tập đoàn Masan, tạo ra nhà bán lẻ lớn nhất cả nước.

Các trung tâm thương mại kết hợp giữa giải trí và mua sắm là khu vực cạnh tranh khốc liệt giữa những người chơi. Có tổng cộng 200 trung tâm trên cả nước, theo Deloitte.

Vingroup chiếm 60% thị trường trung tâm thương mại tính theo diện tích sàn ở Hà Nội và TP.HCM, theo sau là Aeon và Lotte.

Khi cuộc đua ngày càng khốc liệt tại hai thành phố lớn, thương hiệu địa phương Saigon Co.op nhắm đất các tỉnh phía tây nam, nơi còn ít các cơ sở giải trí chất lượng.

(Theo Zing)