Chỉ có phát triển công nghiệp hỗ trợ mới có thể tạo nền tảng cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng của nền kinh tế. Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đặt ra tham vọng tới năm 2020, Việt Nam có tới 1.000 doanh  nghiệp trở thành nhà cung cấp cho các Tập đoàn đa quốc gia, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa. Đến năm 2030, con số doanh nghiệp trở thành vệ tinh cho các Tập đoàn lớn sẽ tăng gấp đôi lên 2.000, đáp ứng 70% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng.

{keywords}
Không nhiều DN trẻ đầu tư CNHT (ảnh: Thu Ngân)


 
Nói về mục tiêu này, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ: Thực ra những mục tiêu này cũng hơi duy ý chí vì những con số như 1000, 2000 hay mấy trăm DN vẫn chung chung. Để trở thành nhà cung cấp trong những mạng lưới sản xuất toàn cầu thì có rất nhiều cách thức.
 
Nhà cung cấp lớp 1 hay cấp 2 cho đến thời điểm này theo số liệu Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ thực hiện trong những năm vừa rồi mới có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam tương đối tốt đang cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và có thể xuất khẩu.
“Tức là các DN này đang tham gia vào đâu đấy trong mạng lưới toàn cầu nào đây của một hãng nào đấy. 300 doanh nghiệp này ở nhiều lớp khác nhau chứ không phải mỗi lớp một. Do đó, để đến 2020 tức là khoảng mấy tháng nữa mà có 1000 doanh nghiệp thì khả năng đó khó có thể đáp ứng được”, bà Bình nói.
 
Bà cho rằng, tỷ lệ nội địa hoá cũng khó có thể nói được vì mỗi ngành có cách tính khác nhau, thậm chí mỗi ngành, công ty, nhãn hàng, nhãn sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá rất khác nhau. 40% cũng khó có thể thực hiện được trong vòng mấy tháng tới bước sang năm 2020, chúng ta đạt được.
 
Cho đến nay, con số trên mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước.
Một thực trạng đáng lo ngại là số lượng các DN mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất hạn hẹp. Nhiều doanh nghiệp mới chủ yếu start up ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin. Những ngành công nghiệp như công nghiệp hỗ trợ có đặc thù môi trường làm việc vất vả, đòi hỏi vốn trường và lợi nhuận chậm nên nhiều người trẻ không mặn mà tham gia khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về công nghiệp hỗ trợ năm 2018 đã đặt vấn đề: Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ quyết định lớn tới sự cạnh tranh của nền kinh tế. Làm sao để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất của ASEAN, của châu Á? Làm sao để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm của các Tập đoàn đa quốc gia?  Đây là các câu hỏi cấp thiết cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và hơn hết là cho cộng đồng doanh nghiệp cần sớm giải đáp.


Băng Dương