Trong bối cảnh chiến dịch ném bom của Nga ở Syria tiếp diễn, nhiều nhà bình
luận cho rằng quyết định can thiệp quân sự này của Tổng thống Vladimir Putin có
thể kéo Moscow vào một bãi lầy kiểu Afghanistan.
TIN BÀI KHÁC:
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria từ ngày 30/9. |
Theo Reuters, một sức mạnh chủ chốt của chiến lược quân sự Syria của Putin chính là tính đơn giản.
Ngày nay, chiến dịch ném bom của Nga chỉ nhắm đến việc bình ổn các giới tuyến của chính quyền Damascus quanh hành lang chính từ Damascus chạy lên phía bắc qua Homs và Hama. Cách tiếp cận này giúp Tổng thống Bashar al-Assad có thêm không gian và cho phép chính quyền của ông thực thi kế hoạch B - một nhà nước dựa vào trung tâm Alawite dọc bờ biển Địa Trung Hải.
Tuy vẫn chưa rõ liệu chính quyền Assad có thể giành lại được nhiều vùng đất đã mất hay không nhưng quân nổi dậy đối lập hiện đang ở thế phải phòng thủ và chính phủ thì không để mất thêm tấc đất nào nữa.
Trong khi đó, chiến lược của Mỹ ngày càng trở nên rối rắm. Tổng thống Barack Obama vừa đòi "Assad phải ra đi" vừa thề sẽ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS). Thế nhưng đến nay Washington vẫn chưa muốn dùng đến sức mạnh quân sự cần thiết để đạt được mục tiêu. Không có gì ngạc nhiên khi ông Assad tiếp tục tại vị trong khi IS vẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh địa rộng lớn ở cả Iraq và Syria.
Khát vọng của Putin muốn phủ ảnh hưởng của Nga lên Trung Đông dường như đã trở thành hiện thực. Với chuyến đi của ông Assad tới Moscow ngày 20/10, người đứng đầu Điện Kremlin muốn thể hiện rõ rằng Nga đang làm chủ tình hình ở Syria. Và việc ông Assad đặt niềm tin vào Moscow đã mang lại cho Putin nhiều lựa chọn ngoại giao hơn so với phương Tây.
Theo một thông điệp của Tổng thống Nga trên trang web của Kremlin thì "kết quả tích cực của chiến dịch quân sự sẽ đặt nền tảng cho việc tìm ra một giải pháp dài hạn dựa trên một tiến trình chính trị liên quan đến tất cả các thế lực chính trị, các nhóm tôn giáo và dân tộc... Tất nhiên chúng ta sẽ làm điều đó trong mối liên hệ chặt chẽ với các cường quốc toàn cầu, và với những nước trong khu vực muốn thấy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này".
Thêm một hoặc hai tháng Nga ném bom nữa thì quyền kiểm soát của chính quyền Assad với phần lãnh thổ đang nắm trong tay sẽ trở nên chắc chắn hơn. Tiếp sau đó có thể có đề xuất về một sự thỏa hiệp chính trị giữa Assad và các đối thủ, dẫn đến một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa ông với những bên muốn hợp tác với chính quyền và những người nhất trí chống IS.
Phương Tây có thể sẽ chấp nhận một kết quả như trên. Châu Âu hiện đang đau đầu với khủng hoảng di dân từ Syria còn Mỹ thì vẫn chủ trương tiêu diệt IS. Tuy cả châu Âu và Mỹ không muốn nói ra nhưng có thể họ sẽ đồng ý với một thỏa thuận để ông Assad tiếp tục nắm quyền, hoặc giữ một vai trò mang tính nghi thức, hoặc là một phần của một sự chuyển giao lâu dài.
Mỹ có thể sẽ cần phải lùi bước trong chính sách "Assad phải ra đi", còn châu Âu chắc chắn sẽ chộp ngay lấy bất kỳ một cơ hội nào dù nhỏ nhoi miễn giúp giảm bớt gánh nặng di dân.
Để thỏa thuận thêm hấp dẫn, ông Putin có thể sẽ đồng ý thực thi các vùng an toàn "cấm bay" ở miền bắc Syria, nơi các tổ chức nhân đạo có thể giúp cho hàng triệu người Syria đang lánh nạn chiến tranh - một lựa chọn mà đến nay Nga vẫn phản đối.
Tất nhiên, Tổng thống Nga sẽ yêu cầu phương Tây phải trả phí cho sự hợp tác này. Trước hết, ông chắc chắn sẽ đòi Nga có chân trong bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến một cấu trúc an ninh và địa chính trị rộng lớn hơn cho Trung Đông. Thực sự, ngay cả khi không được phương Tây ủng hộ thì Nga vẫn có thể đạt tiến bộ trong mục tiêu này.
Thậm chí còn quan trọng hơn cả việc mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông, ông Putin có thể tìm cách sử dụng chiến dịch Syria để đặt dấu chấm hết cho các trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraina. Dù Mỹ khó có thể chấp nhận một kiểu đổi chác Syria-lấy-Ukraina nhưng châu Âu vẫn có thể. Nhiều nước và doanh nghiệp ở châu lục này đang nóng lòng muốn dỡ bỏ cấm vận lên Moscow, và nếu Putin cho châu Âu dù chỉ một tia hy vọng để giải quyết bài toán di dân thì áp lực đòi chấm dứt cấm vận mà các nước thành viên đặt lên cả khối có thể sẽ không chống lại được. Rất có thể châu Âu còn quay sang thúc ép Mỹ dỡ bỏ cấm vận Nga.
Vẫn có khả năng xảy ra viễn cảnh mà ông Putin không mong muốn và mọi thứ có
thể chệch hướng mục tiêu.
Chẳng hạn Nga có thể phải hứng chịu các cuộc tấn công
trả thù của khủng bố, Assad có thể tiếp tục để mất lãnh địa và kinh tế Nga tiếp
tục lao dốc. Các phe nhóm nổi dậy ôn hòa có thể không chấp nhận Nga tham gia vào
một giải pháp chính trị, cự tuyệt khả năng Nga muốn chứng minh sự can thiệp của
nước này là không thể thiếu trong phép giải khủng hoảng Syria.
Nhưng dù có như
thế thì Tổng thống Putin vẫn có thể gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người bằng một
chiến thắng về địa chính trị.
Thanh Hảo