Tây Nguyên là vùng có sự liên kết chặt chẽ về địa hình, giao thông với các vùng khác, như Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ; nhiều tuyến du lịch lớn đã được hình thành, như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, tuyến du lịch xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương, xa hơn là với các nước trong khối ASEAN và quốc tế,... Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng với phương châm “muốn đi xa phải đồng hành cùng nhau”, trên con đường phát triển du lịch, bước đầu các tỉnh đã có sự hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở những lợi thế so sánh để cùng thúc đẩy du lịch phát triển. 

Những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Tây Nguyên thu hút khách du lịch

Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch chung của vùng Tây Nguyên, cùng với những khó khăn, hạn chế trong quá trình liên kết phát triển du lịch trong thời gian qua; để triển khai các chương trình hợp tác, liên kết đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả tương xứng với nguồn lực sẵn có, TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các tỉnh Tây Nguyên cần xác định việc hợp tác, liên kết nội vùng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của toàn vùng. Chính quyền các tỉnh cần có những chính sách và nỗ lực ở tầm vĩ mô và vi mô để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch; có tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng; chủ động xây dựng chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược để định vị hình ảnh, sản phẩm và thương hiệu đặc trưng từng vùng, miền, địa phương, nhất là phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, liên vùng và liên quốc gia, với chất lượng cao, tích hợp nhiều tiện ích, trải nghiệm thú vị hơn cho du khách. 

Thứ hai, kết cấu hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng, nhất là đối với khu vực vùng đất rộng, địa hình phức tạp như Tây Nguyên. Vì vậy, cần xây dựng các tiểu vùng và kết nối tuyến đường giao thông thuận tiện cho phát triển các tuyến du lịch; nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ quan trọng trên địa bàn vùng và tuyến đường qua các cửa khẩu quốc tế quan trọng như Bờ Y, Bu Brăng,..; phát triển kết cấu hạ tầng về đường hàng không để gia tăng khả năng liên kết phát triển du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Thứ ba, duy trì và tuân thủ cơ chế đã thỏa thuận trong chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các địa phương. Tiếp tục triển khai ký kết giai đoạn tiếp theo đối với các tỉnh, thành phố đã liên kết, hợp tác có hiệu quả cao; chủ động hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng cùng các cấp quản lý thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch, các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường - tài nguyên quốc gia; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở lĩnh vực du lịch trong khuôn khổ “Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu”, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các loài sinh vật cảnh, động, thực vật qúy hiếm, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thứ tư, tăng cường, chú trọng liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch, xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch,... từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn mới lạ, hấp dẫn với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt cho các địa điểm. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch vùng Tây Nguyên bằng các hoạt động, sự kiện Festival, lễ hội đặc trưng độc đáo của từng địa phương qua trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông nhằm tạo mối liên kết các điểm đến trong vùng với nhau và cũng là cơ hội để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Thứ năm, cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, liên kết và cung cấp thông tin về dịch vụ du lịch để đăng tải trên trang thông tin điện tử của các tỉnh vùng Tây Nguyên. Hiện nay, công nghệ số hoá phát triển mạnh, cần ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; chú ý nghiên cứu thị trường để tập trung vào thị trường trọng điểm, thị trường khách quốc tế, thị trường truyền thống,... Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách kích cầu du lịch; tiến hành thực hiện các ấn phẩm, vật phẩm chung như chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, phát hành đĩa phim du lịch giữa các địa phương, xuất bản cẩm nang du lịch... Theo đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực, như văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt cư dân địa phương, nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Thứ sáu, xây dựng nguồn nhân lực du lịch đủ mạnh cho các chủ thể liên kết trong phát triển du lịch vùng Tây Nguyên. Các tỉnh trong vùng cần có chính sách ưu đãi nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển kỹ năng nghề, nâng cao nhận thức của chủ thể liên kết du lịch về thế mạnh của địa phương. Thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại thường xuyên nhằm nâng cao trình độ quản lý, năng lực công tác và nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành cũng như ở các doanh nghiệp hay các điểm, các khu du lịch từng bước được nâng cao kiến thức, phục vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch. Đề cao ý thức phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, văn hóa địa phương, vận động cộng đồng dân cư thực hiện những chính sách của chính quyền và tạo ra sự hưởng lợi cho người dân địa phương.

Văn Thường, Duy Linh, Thu Huyền