- Với việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một giải đấu chuyên nghiệp có số tiền thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng như FLC Vietnam Masters, đang khiến các golfer Việt vô cùng háo hức và phấn khích.
Golf thủ Việt kiều về nước tranh giải thưởng nghìn đô
Tại FLC Vietnam Masters, Andy Chu Minh Đức là một trong những cái tên đáng chú ý nhất. Tay golf này có bố và mẹ đều là người Việt Nam nhưng sinh sống ở Australia từ bé, từng vô địch bảng chuyên nghiệp VAO 2016. Minh Đức mới “thăng hạng” chuyên nghiệp từ năm 2015, còn trước đó anh tập golf từ năm 10 tuổi.
Andy Chu về nước săn giải thưởng nghìn đô. Ảnh S.N |
Trao đổi với VietNamNet, Andy Chu Minh Đức cho biết anh vô cùng háo hức khi về nước tranh tài với các đối thủ Việt Nam. Trở ngại với tay golf sinh năm 1994 này là chưa quen sân và khí hậu nóng, tuy nhiên anh lại có động lực không nhỏ từ tiền thưởng.
“Ở Australia có giải thưởng rất lớn, từ 20.000 USD tới 200.000 USD. Tuy nhiên, việc tranh giải ở đây vô cùng khó khăn. Kể từ ngày tôi tham dự với tư cách một golfer chuyên nghiệp, giải thưởng lớn nhất giành được chỉ khoảng 2.000 USD”, Andy chia sẻ.
Golf thủ Việt kiều có có thành tích tốt nhất tại Australia là -7 gậy, nên anh rất tự tin sẽ đủ sức cạnh tranh cúp vô địch tại FLC Vietnam Masters – giải đấu có giá trị tiền thưởng dành cho người vô địch là hơn 200 triệu đồng.
Các golf thủ phấn khích trước cơ hội kiếm tiền từ các giải chuyên nghiệp. Ảnh S.N |
“Golf Việt Nam dù còn khá non trẻ nhưng các bạn rất tiềm năng. Những giải đấu như FLC Vietnam Masters sẽ là tiền đề để các golf thủ chuyên nghiệp có thêm sân chơi và cơ hội tranh giải thưởng cao để sống khoẻ bằng nghề”, Andy chia sẻ.
Câu chuyện nghiệp dư & chuyên nghiệp
50.000 USD là một số tiền thưởng không phải là nhỏ nếu xét về tính chất và quy mô ở một quốc gia non trẻ về golf như Việt Nam. Tất nhiên, so với những hệ thống lâu đời và lừng danh như PGA, European hay Asian Tour có tổng số giải thưởng lên tới vài triệu USD, tiền thưởng tại FLC Vietnam Masters chẳng thấm vào đâu. Thế nhưng, nói như Giám đốc giải đấu Nguyễn Thái Dương, số tiền thưởng tại giải năm nay vẫn đủ tạo ra một bước ngoặt lịch sử, một cú hích cho sự phát triển của golf Việt Nam.
Chưa có nhiều golfer pro tại Việt Nam |
Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu chỉ có sân chơi cho các golf thủ nghiệp dư, trong khi các golfer chuyên nghiệp muốn kiếm tiền phải đi dạy học, hay tham dự các giải đấu quốc tế, gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, có một nghịch lý là nhiều golfer nghiệp dư lại quyết không lên chuyên nghiệp, vì họ không thấy nhiều cơ hội kiếm tiền và không có đủ khả năng cạnh tranh. Vì thế mới có chuyện các golfer nghiệp dư phải viết đơn xin... không nhận giải thưởng tiền mặt ở các giải chuyên nghiệp như hiện nay.
Giám đốc kỹ thuật FLC Vietnam Masters Vũ Nguyên chia sẻ: “Nghiệp dư có nhiều giải đấu tham dự, đặc biệt là SEA Games hay ASIAD trong màu áo đội tuyển và đặc biệt là học bổng các trường đại học. Lứa 18-25 tuổi rất quân tâm học bổng và họ sẽ không lên chuyên nghiệp để có cơ hội ra nước ngoài.
Các golf thủ nghiệp dự dự giải chuyên nghiệp sẽ phải viết đơn xin... từ chối giải thưởng tiền mặt |
Tuy nhiên, nếu Việt Nam có một hệ thống giải chuyên nghiệp mạnh với giải thưởng lớn, tôi tin chắc sẽ ngày càng nhiều golf thủ bỏ nghiệp dư để chơi hạng pro”.
Câu chuyện giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư đều có mẫu số chung là giải thưởng. Nói như golf thủ Phạm Minh Đức thì mong muốn của các VĐV Việt Nam là làm sao có môi trường chuyên nghiệp để họ có đất dụng võ, có cơ hội kiếm tiền. Đó là điều rất quan trọng với các golf thủ bởi đã là chuyên nghiệp phải tự sống trên đôi chân của mình.
Việt Nam từng có giải golf giải thưởng 1,5 triệu USD Năm 2015, giải golf Hồ Tràm gây tiếng vang lớn bằng việc đưa giải hàng đầu châu Á về Việt Nam. Giải đã lập kỷ lục về số người tham gia và đặc biệt là tiền thưởng lên tới 1,5 triệu USD, khoảng hơn 30 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 giải Hồ Tràm sẽ trở lại với những phần thưởng đầy hứa hẹn.
|
Song Ngư