Huyện miền núi Mường Ảng của tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên trên 44.000 ha với 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Dân số của huyện đến nay trên 50.000 người gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ mú và một số dân tộc khác.

Trước đây, Mường Ảng là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nghèo. Thế nhưng đến nay, huyện đã từng bước vươn lên, thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả với những con đường được bê tông hóa, cơ sở vật chất khang trang và những ngôi nhà mới sạch đẹp dành cho người dân.

Mường Ảng
Trước đây, Mường Ảng là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Điện Biên. 

Bà Lù Thị Hé, một hộ nghèo sinh sống tại bản Cói Bánh, xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng cho hay, trước đây, điều kiện kinh tế gia đình bà rất khó khăn. Bởi vậy, con trai, con dâu của bà đều phải đi làm ăn xa; ở nhà chỉ còn bà và cháu nhỏ sống trong căn nhà tạm chật hẹp, dột nát.

Năm 2022, với sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, gia đình bà đã xây dựng được căn nhà cấp 4 rộng rãi, lợp mái tôn chắc chắn, sàn lát gạch tráng men sạch sẽ. Bà Hé cảm thấy rất vui khi được sống trong căn nhà đẹp, rộng rãi, không sợ nắng mưa. Từ khi có nhà mới, mọi sinh hoạt trong gia đình đều thuận lợi.

Được biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng luôn quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đánh giá, đặc biệt là về nhà ở dân cư (nhà ở kiên cố và bán kiên cố) để vừa tạo diện mạo vùng quê đổi mới, vừa giúp tình hình khu vực nông thôn được cải thiện.

Huyện chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nhà ở và huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. 

Đáng chú ý, đối với những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chính quyền huyện Mường Ảng đã chỉ đạo rà soát những hộ cần xây dựng nhà để có kế hoạch vận động hỗ trợ. Huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức đoàn thể địa phương hỗ trợ các hộ gia đình đặc biệt khó khăn ngày công lao động.

Đến nay, toàn huyện đã và đang từng bước xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Nhà ở dân cư hầu hết được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng (đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng; diện tích nhà ở trung du, miền núi 10m2/người trở lên), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ thụ hưởng của người dân.

Theo ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ảng Cang, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay xã Ẳng Cang đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong đó, tiêu chí nhà ở dân cư là một trong 6 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà xã cơ bản đạt. Để hoàn thành và bảo đảm chất lượng tiêu chí nhà ở dân cư, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã cũng chú trọng huy động nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng nhà ở nông thôn.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Ẳng Cang xác định tiếp tục duy trì, củng cố các tiêu chí đã đạt, tập trung chỉ đạo thực hiện những tiêu chí khó, chưa đạt. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ cấp trên, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết, chính quyền huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương về xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn tiếp theo, chính quyền các xã tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng những ngôi nhà mới khang trang giúp nhân dân phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, Mường Ảng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; huy động các lực lượng từ huyện đến các xã, thị trấn và nhân dân giúp đỡ các gia đình khó khăn về nhân lực làm nhà.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thiết yếu, cơ bản ở nông thôn.

Chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Có thể nói, những ngôi nhà được xây mới khang trang, sạch đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp nhiều hộ nghèo hoàn thành giấc mơ an cư lạc nghiệp, ổn định và có thêm niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nhà ở dân cư - một tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới.