Việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa là một vấn đề mang quyết sách chính trị, có thể ảnh hưởng đến “danh tiếng” của Trung Quốc trong việc thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế.

LTS: Vòng xét xử tiếp theo của vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông đang diễn ra tại The Hague (Hà Lan) từ 24-30/11. Đây là lúc cùng nhìn lại một số nội dung chính của phán quyết về thẩm quyền của Toà trọng tài để có thể hiểu được Toà sẽ phải xem xét thêm những gì trong giai đoạn tranh tụng tới đây về vấn đề nội dung để có được phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ tuyên vào năm 2016.

Không còn lý do gì để nhân nhượng Trung Quốc
Học giả Trung Quốc bị cô lập vì "không giống ai"
Giỏi nghi binh, Trung Quốc thình lình chiếm biển

Hôm 29/10, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (“Tòa trọng tài”) đã có phán quyết về vấn đề thẩm quyền và khả năng thụ lý đơn kiện trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông.

Đây là một phán quyết rất được cộng đồng thế giới và khu vực mong đợi kể từ phiên xử kín hồi tháng 7/2015, không chỉ vì ý nghĩa của phán quyết mang lại trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, mà còn do vụ kiện liên quan đến một số vấn đề quan trọng đối với cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế.

{keywords}
Ảnh minh họa: AP

Với việc Toà trọng tài khẳng định Toà có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 luận điểm của Philippines và sẽ tiếp tục xem xét các luận điểm còn lại tại phiên tranh tụng về vấn đề nội dung sẽ được bắt đầu vào ngày 24/11, Phán quyết đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Philippines sử dụng cơ chế tài phán quốc tế để bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước khi phiên toà xem xét nội dung vụ kiện bắt đầu, hãy cùng nhìn lại một số nội dung chính của phán quyết về thẩm quyền của Toà trọng tài để có thể hiểu được Toà sẽ phải xem xét thêm những gì trong giai đoạn tranh tụng tới đây về vấn đề nội dung để có được phán quyết cuối cùng của vụ kiện mà Toà dự kiến sẽ tuyên vào năm 2016.

Phân biệt giữa giai đoạn xét xử thẩm quyền và xét xử về nội dung

Theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (“Công ước”), Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước sẽ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Tuy nhiên, Toà trọng tài phải bảo đảm rằng một số điều kiện tiên quyết đối với thẩm quyền phải được thoả mãn cũng như các quy định liên quan đến giới hạn và ngoại lệ đối với thẩm quyền của Toà được nêu tại Điều 297 và 298 của Công ước không cản trở thẩm quyền của Toà.

Điều 297 của Công ước loại trừ khỏi thẩm quyền của Toà trọng tài các tranh chấp liên quan đến nghiên cứu khoa học biển và nghề cá.

Theo Điều 298, một quốc gia thành viên được phép đưa ra tuyên bố loại trừ khỏi thẩm quyền của Toà trọng tài một số các tranh chấp, trong đó có tranh chấp liên quan đến phân định biển, tranh chấp liên quan đến danh nghĩa lịch sử hay vịnh lịch sử và tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự hay hoạt động thực thi pháp luật trong những lĩnh vực bị loại trừ khỏi thẩm quyền theo Điều 297 (nghiên cứu khoa học biển và nghề cá).

Năm 2006, Trung Quốc đã ra Tuyên bố theo Điều 298, loại trừ tất cả những tranh chấp này khỏi thẩm quyền của các cơ quan tài phán được xác định trong Công ước, kể cả Toà trọng tài Phụ lục VII.

Đúng với tính chất của nó, một phán quyết về mặt thẩm quyền sẽ chỉ đơn thuần xác định liệu Toà có thẩm quyền để xem xét các luận điểm mà phía Philippines đưa ra hay không mà sẽ chưa động chạm đến tính đúng, sai của các luận điểm này.

Nói cụ thể hơn, trong giai đoạn xem xét về vấn đề thẩm quyền, Toà trọng tài sẽ phải xác định xem có đúng là các luận điểm của Philippines trong đơn kiện thuộc loại tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước không và liệu các luận điểm đó có nằm trong số các tranh chấp bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Toà theo Điều 297 và 298 của Công ước không.

Toà cũng phải xác định xem Philippines đã đáp ứng các điều kiện tiên quyết quy định trong Công ước trước khi tiến hành khởi kiện chưa. Chỉ sau khi Toà xác định rằng có thẩm quyền, nội dung cụ thể (hay tính đúng, sai) trong các luận điểm này mới tiếp tục được xem xét ở giai đoạn nội dung.

Sự vắng mặt của Trung Quốc – một bên trong tranh chấp

Ngay từ khi Philippines tuyên bố khởi kiện ra Toà Trọng tài, Trung Quốc đã duy trì lập trường không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Trung Quốc đã không tham gia chỉ định trọng tài viên, không đệ trình Bản Phản biện (Counter Memorial), không tham gia phiên xử kín về thẩm quyền tháng 7/2015.

Mặt khác, Trung Quốc tìm cách gián tiếp tác động đến tiến trình tố tụng, trong đó rõ ràng nhất là thông qua việc chuyển đến Toà trọng tài Văn kiện lập trường (Position Paper) của Chính phủ Trung Quốc ngày 7/12/2014 liên quan đến vấn đề thẩm quyền của Toà trọng tài.

Trong tài liệu này, Trung Quốc cho rằng Toà trọng tài không có thẩm quyền để thụ lý vụ việc (các lập luận sẽ nói ở sau). Chính vì Văn kiện lập trường này, Toà đã ban hành Lệnh thủ tục số 4 quyết định tách riêng phiên xét xử thẩm quyền khỏi phiên xét xử nội dung để tập trung xem xét các luận điểm phản đối thẩm quyền của Toà trọng tài mà Trung Quốc đã nêu ra.

Điều này bắt nguồn từ quy định tại Điều 9 Phụ lục VII của Công ước Luật Biển, theo đó trong trường hợp có một bên không tham gia vào vụ kiện, Toà sẽ phải xem xét kỹ vụ việc để bảo đảm rằng không những Toà có thẩm quyền đối với tranh chấp mà đơn kiện có cơ sở vững chắc cả về mặt thực tiễn và pháp lý.

Phiên xét xử về vấn đề thẩm quyền của Toà Trọng tài do vậy đã diễn ra từ ngày 7-13/7/2015 tại Cung điện Hoà Bình, thành phố The Hague, Hà Lan.

Đây không phải là lần đầu tiên một bên trong vụ kiện từ chối tham gia vụ kiện trước các Toà án quốc tế. Gần đây nhất, Nga đã từ chối tham gia vụ kiện do Hà Lan khởi xướng trước Toà trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước liên quan đến vụ Tàu Arctic Sunrise.

Song, phù hợp với Điều 9, Phụ lục VII, Công ước Luật Biển 1982, việc một bên không tham gia vụ kiện không thể cản trở việc Toà xem xét vụ kiện dù rằng Toà có nhưng khó khăn nhất định trong việc đảm bảo cho quyền lợi của cả hai bên trong vụ kiện.

Trong phán quyết ngày 29/10/2015, Toà tái khẳng định nguyên tắc này, tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn là “một bên trong tranh chấp”. Hệ quả của việc này là dù muốn hay không, phán quyết vẫn có giá trị ràng buộc với Trung Quốc và Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ nó. Tất nhiên, việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết hay không cũng là một vấn đề mang quyết sách chính trị, có thể ảnh hưởng đến “danh tiếng” của Trung Quốc trong việc thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế.

Các đệ trình của Philippines

Trong vụ kiện này, Philippines yêu cầu Toà xem xét 15 luận điểm (xem Phụ lục trong kỳ tới), trong đó có thể nhóm thành 03 nội dung chính:

- Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến vùng biển, đáy biển và các cấu trúc biển ở Biển Đông do Công ước điều chỉnh, và các yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc theo đường chín đoạn không phù hợp với Công ước và do đó vô hiệu.

- Căn cứ theo quy định của Công ước, một số cấu trúc biển mà Trung Quốc và Philippines yêu sách nên được xác định là đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay các bãi chìm.

- Trung Quốc đã vi phạm Công ước khi can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do theo Công ước của Philippines, và các hoạt động tôn tạo và đánh cá đã gây hại cho môi trường biển.

Lập luận phản đối thẩm quyền của Trung Quốc

Trong bản Văn kiện lập trường của mình, Trung Quốc đã nêu rõ:

- Bản chất của tranh chấp là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc địa lý ở Biển Đông, do đó vấn đề này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước và không liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước;

- Ngay cả khi tranh chấp này liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, thì nội dung của tranh chấp là một phần không tách rời của phân định biển giữa hai nước;

- Philippines đã vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán được hai nước thoả thuận thông qua các văn kiện song phương và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (“DOC”).

Còn tiếp

Trần Hoàng Yến, Nghiên cứu sinh Luật Biển tại Viện Nghiên cứu Luật Biển Hà Lan, đại học Utrecht, Hà Lan.