Hôm 17/5, trang Axios đưa tin các cuộc đàm phán tại Oman có sự tham gia của Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Đông Brett McGurk và quyền Đặc phái viên Mỹ tại Iran Abram Paley. Sự kiện đánh dấu vòng thảo luận đầu tiên giữa Mỹ và Iran kể từ tháng 1.
Hiện không rõ quan chức nào của Iran tham gia các cuộc đàm phán. Theo các nguồn tin, quá trình đàm phán tập trung vào việc làm rõ hậu quả do hành động của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực, đồng thời thảo luận những lo ngại của Mỹ về tình trạng chương trình hạt nhân của Iran.
Trong những tuần gần đây, một số quan chức Iran cũng có tuyên bố ám chỉ khả năng Iran tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân.
Hồi đầu tuần, ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chính quyền của Tổng thống Biden có cách liên lạc với Iran khi cần thiết.
Theo ông Patel, Mỹ không tin nhà lãnh đạo tối cao của Iran đã đưa ra quyết định "tiếp tục chương trình vũ khí hóa mà Mỹ cho rằng Iran đã đình chỉ, hoặc dừng lại vào cuối năm 2003".
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra bình luận về các cuộc đàm phán ở Oman.
Hoạt động đàm phán diễn ra sau khi Iran tiến hành đợt tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel hôm 13/4. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên vào Israel được tiến hành từ lãnh thổ Iran. Vụ tấn công đã đẩy Trung Đông tới bờ vực của một cuộc chiến trong khu vực.
Theo đó, Iran đã phóng 350 tên lửa đạn đạo và UAV về phía Israel để trả đũa việc Israel tấn công vào đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria. Tuy nhiên, đợt tấn công của Iran đã bị hệ thống phòng không chung của Israel, Mỹ, Anh, Pháp, Jordan, và Ảrập Xêút ngăn chặn.
Vài ngày sau, Israel cũng đã đáp trả bằng một cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống phòng không S-300 tại căn cứ không quân của Iran.