Ảnh minh họa |
Đề xuất của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ khá giống với một dự luật được Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7. Trong đó, khoảng 700 triệu USD sẽ được cấp để loại bỏ thiết bị Huawei nhằm củng cố tính an toàn cho mạng lưới viễn thông.
Các thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại cho biết dự luật sẽ bảo vệ “mạng viễn thông quốc gia trước kẻ thù nước ngoài thông qua hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ không dây nhỏ và nông thôn loại bỏ tận gốc thiết bị nghi vấn, thay thế bằng thiết bị bảo đảm hơn”.
Ủy ban sẽ tổ chức buổi điều trần về dự luật trong tuần này.
Theo nguồn tin của Reuters, hơn 10 nhà mạng viễn thông nông thôn Mỹ dùng thiết bị Huawei đang đàm phán với Ericsson và Nokia để thay mới thiết bị.
Tháng 5/2019, Tổng thống Donald Trump ký lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm doanh nghiệp Mỹ dùng thiết bị viễn thông do các công ty đe dọa an ninh quốc gia sản xuất. Bộ Thương mại cùng các tổ chức chính phủ khác được yêu cầu hoàn thành kế hoạch hành động vào tháng 10.
Chính phủ Mỹ cũng đưa Huawei vào “sổ đen”, tố cáo công ty Trung Quốc liên quan tới các hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia hay chính sách quốc tế của Mỹ. Tháng 8/2019, Bộ Thương mại bổ sung hơn 40 chi nhánh của Huawei vào danh sách này, nâng tổng số các thực thể Huawei bị cấm lên hơn 100.
Luật của Hạ viện sẽ cấm dùng nguồn quỹ liên bang mua thiết bị hay dịch vụ viễn thông từ bất kỳ công ty nào đe dọa an ninh mạng viễn thông. Nó cũng yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FTC) hỗ trợ chi phí loại bỏ thiết bị hay dịch vụ bị cấm khỏi mạng lưới, thay thế thiết bị cho nhà cung cấp dịch vụ quy mô nhỏ.
Dù các hãng viễn thông lớn của Mỹ đều đã cắt đứt quan hệ với Huawei, một số nhà mạng nhỏ tại nông thôn vẫn phụ thuộc vào bộ chuyển đổi và thiết bị giá rẻ của Huawei, ZTE. Hiệp hội không dây nông thôn, đại diện cho các nhà mạng dưới 100.000 thuê bao, ước tính 25% thành viên dùng thiết bị Huawei, ZTE. Sẽ mất từ 800 triệu tới 1 tỷ USD để thay thế chúng.