Theo kênh ZDF, từ quý 3/2015, không quân Mỹ sẽ bắt đầu chuẩn bị đưa các quả bom hạt nhân B61 thế hệ mới tới căn cứ không quân Buchel của Đức.
Căn cứ không quân Bundeswehr tại thành phố Büchel thuộc bang Rhineland-Palatinate, là nơi đồn trú loại phi cơ đa năng Panania Tornado. Đây là phi cơ có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ lưu giữ tại đây theo một thỏa thuận chung về hạt nhân giữa Berlin và Washington.
Căn cứ này là nơi duy nhất trên lãnh thổ Đức có chứa vũ khí hạt nhân kể từ năm 2007. Số lượng vũ khí hạt nhân đặt tại đây là 20.
Kênh truyền hình ZDF dẫn các tài liệu về ngân sách cho biết thêm, căn cứ không quân này sẽ nhận thêm nguồn ngân sách cho việc cất giữ và triển khai các bom hạt nhân thế hệ mới B61-12. Nguồn ngân sách này cũng bao gồm cả việc nâng cấp máy bay Tornado.
B61-12 có độ chính xác cao hơn và ít thiệt hại hơn các loại trước. Những người chỉ trích nói rằng, loại bom này có thể xóa nhòa ranh giới giữa chiến thuật và chiến lược. Các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ dễ viện đến nó, dẫn tới các hậu quả chưa từng có cho an ninh toàn cầu.
ZDF dẫn lời ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân của Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, nhận định: “Với các quả bom mới, ranh giới giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược đang bị xóa nhòa”.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại bom hạt nhân quy mô nhỏ, được sử dụng trên chiến trường, trong các tình huống quân sự cụ thể. Vũ khí hạt nhân chiến lược là loại bom lớn có khả năng phá hủy các thành phố và những mục tiêu quy mô lớn.
Ông Willy Wimmer, cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Đức, cho rằng động thái nâng cấp kho vũ khí hạt nhân tại căn cứ ở Buchel mang lại cho Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ‘các phương án mới để tấn công Nga’.
Về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu, Nga luôn lưu tâm tới điều này khi hoạch định chính sách quân sự, đặc biệt là trong học thuyết quân sự mới nhất công bố vào năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn ZDF, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 22/9 nhấn mạnh rằng, kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Đức đã gây ra mối quan ngại đặc biệt đối với Nga.
Theo bà Zakharova, từ những năm 1990 đến nay, Moscow đã 4 lần cắt giảm kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược."Trong khi ở châu Âu, không chỉ ở Đức mà cả Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn còn nguyên những vũ khí hạt nhân chiến lược từng được Mỹ triển khai trước đó".
"Người Mỹ hiện đại hóa bom hạt nhân của họ, còn các thành viên châu Âu của NATO thì nâng cấp các máy bay mang những vũ khí như vậy”, bà nói thêm.
Bà cho rằng, “để bảo đảm an ninh, ổn định ở châu Âu, điều cần thiết là phải trả vũ khí hạt nhân phi chiến lược về lãnh thổ quốc gia, cấm triển khai chúng ngoài lãnh thổ quốc gia, hủy bỏ bên ngoài lãnh thổ quốc gia các hạ tầng tương ứng cho phép triển khai nhanh chóng các vũ khí này".
Lê Thu