Thị trường u ám

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đảo chiều giảm điểm trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam). Chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi 4 phiên hồi phục do giới đầu tư lo ngại các DN lớn của Mỹ sắp công bố những số liệu kinh doanh tiêu cực và nền kinh tế Mỹ chưa thể hồi phục trước những nỗ lực của ông Donald Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã đánh mất toàn bộ phần tăng điểm đầu phiên và quay đầu giảm trở về ngưỡng 24,1 ngàn điểm. Chỉ số tầm rộng S&P500 giảm 0,5, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,4% về mức 8.600 điểm.

Hầu hết các cổ phiếu công nghệ đều giảm giá, trong đó Alphabet của Goolge giảm 3%, Netflix giảm 4,2%, cổ phiếu phiếu Facebook giảm 2,5%, Amazon giảm 2,6%, còn Apple rớt 1,6% do giới đầu tư bán mạnh trước thời điểm các ông lớn Mỹ công bố kết quả kinh doanh trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã có những phiên hồi phục mạnh mẽ với kỳ vọng nền kinh tế của Mỹ sẽ mở cửa hoạt động trở lại từng phần với một số bang như Alaska, Georgia, South Carolina, Tennessee, Texas. Sức tiêu dùng của người dân Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp “sống” trở lại sau chuỗi ngày bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nỗi lo về dịch bệnh có thể bùng phát trở lại sau khi Mỹ mở cửa kinh tế và giá dầu thế giới tiếp tục bị bán tháo và giảm mạnh… đã khiến chứng khoán không thể tiếp tục đi lên.

{keywords}
Giá dầu giảm mạnh trong vài tháng qua.

Nhiều dự báo, Mỹ có thể sẽ rơi trở lại vào tình trạng tồi tệ nếu không tìm thấy phương pháp điều trị hiệu quả virus corona cũng như không có được vaccines đối phó với SARS-CoV-2.

Giá dầu đêm qua trên thị trường Mỹ giảm mạnh, xóa sạch đà tăng đầu phiên bất chấp vụ nổ tàu chở dầu ở thành phố Afrin phía Bắc Syria đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng khiến mức phí bảo hiểm cho loại hàng hóa này tăng vọt. Giá dầu hiện vẫn ở quanh mức 13 USD/thùng và được dự báo có thể sẽ trở lại mức giá âm giống như cách đây 1 tuần.

Trong vài phiên gần đây, thị trường chứng kiến các NĐT chạy khỏi hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex giống như đã từng tháo chạy khỏi hợp đồng giao tháng 5 hôm 20-21/4 vừa qua. Nguy cơ giá dầu xuống mức âm vẫn hiện hữu bởi năng lực chứa dầu ở kho chứa Cushing (Oklahoma) không còn.

Fed dồn dập bơm tiền, Donald Trump vẫn gặp khó

TTCK Mỹ không thể tiếp tục tăng điểm cho dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm tất cả những gì có thể. Một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đã buộc Fed phải hành động chưa có tiền lệ, phá vỡ những quy tắc được duy trì cả trăm năm nay: hạ lãi suất xuống sát 0%, bơm tiền không giới hạn, mở rộng cho vay doanh nghiệp, các bang và thành phố, bất kể mức tín nhiệm thấp đến đâu.

Trong một động thái mới nhất, Fed vừa phát ra thông tin về việc mở rộng tín dụng ưu đãi hỗ trợ các thành phố nhỏ. Chương trình tín dụng ưu đãi 500 tỷ USD không chỉ dành cho các khu vực có ít nhất 2 triệu dân và thành phố có dân số từ 1 triệu trở lên, mà cho phép cả các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.

Kể từ đầu tháng 3, Fed đã tung ra một kế hoạch giải cứu kinh tế mang tính lịch sử trong nỗ lực giảm thiểu những tác động do đại dịch. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã cắt giảm lãi suất xuống gần 0%, tái khởi động chương trình thu mua tài sản quy mô lớn và triển khai một loạt biện pháp nhằm bình ổn các thị trường tài chính. Và trong vài tuần gần đây giới đầu tư không còn thấy ông Donald Trump chỉ trích ông chủ tịch Fed Jerome Powell.

{keywords}
Ông Donald Trump nỗ lực cứu giá dầu thoát khỏi cảnh rơi tự do.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã làm hài lòng cả Phố Wall, cứu cả hệ thống tài chính hay cụ thể là TTCK Mỹ khỏi một cú sụp đổ, cũng như bơm tiền hỗ trợ cả các công ty tư nhân vừa và nhỏ cũng như người dân bình thường trong nền kinh tế Mỹ.

Về phía mình, ông Donald Trump cũng đã có những chính sách tài khóa lớn chưa từng có, giảm thuế, mang tiền đến cho từng gia đình Mỹ, cũng như hợp tác với tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt cuộc chiến dầu khí Nga-Saudi Arabia…

Tuy nhiên, nguy cơ nền kinh tế Mỹ ngưng trệ vẫn còn bởi những tiến bộ về y tế trong việc cứu chữa hay phòng dịch do loại virus corona chủng mới này vẫn không đáng kể.

Sự suy giảm trở lại của TTCK  và việc giá dầu chưa thoát được làn sóng bán tháo đã tiếp tục gây áp lực lớn lên ông Donald Trump cũng như các cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ.

Nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ là ở chỗ, các công ty ở mọi ngành, từ dầu khí, bán lẻ, ô tô, du lịch, thậm chí cả y tế…  đang phải vật lộn để tránh bị cuốn vào làn sóng vỡ nợ, phá sản chưa từng thấy. Dễ vay thì dày nợ, doanh nghiệp sẽ gặp khó hơn nếu nền kinh tế vẫn đình trệ.

Trong khi đó, một viễn cảnh hậu Covid-19 ngập trong nợ nần đã được Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo, thâm hụt ngân sách của nước này đã lên mức kỷ lục trong vòng 80 năm: dự báo chạm ngưỡng 3,7 ngàn tỷ USD cho năm tài khóa này (tăng hơn 3 lần so với mức 1.000 tỷ USD trong 12 tháng tính tới hết tháng 3/2020) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ được dự báo giảm tới 40% trong quý 2 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2 con số trong cả năm nay, sau khi đã lên đến 16% chỉ trong 5 tuần vừa qua.

M. Hà