Theo các chuyên gia y tế, dữ liệu thu thập được cho đến nay phản ánh, biến thể Lambda có thể dễ lây lan hơn các biến thể Delta, Alpha và Gamma. Đáng chú ý, các loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện hành có thể không đủ khả năng bảo vệ người tiêm trước loại biến thể mới này.

{keywords}
Các bệnh nhân Covid-19 nằm kín chỗ tại một phòng chăm sóc tích cực (ICU) của Khoa cấp cứu thuộc bệnh viện Villa El Salvador ở Lima, Peru. Ảnh: Reuters

"Dữ liệu của chúng tôi hé lộ lần đầu tiên rằng, các đột biến tồn tại trong protein gai của biến thể Lambda đã thoát ra để trung hòa các kháng thể và tăng khả năng lây nhiễm”, trích tuyên bố của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile.

Theo Sputnik, biến thể Lambda, thường được nhắc đến như C.37, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào cuối năm ngoái. Kể từ đó, biến thể này đã lây lan đến 27 quốc gia, bao gồm cả Anh.

Lambda là thủ phạm gây ra tới 82% số ca mắc Covid-19 ở Peru trong hai tháng 5 và 6. Quốc gia Nam Mỹ này hiện ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc với 193.063 trường hợp tử vong và cũng là nước có tỉ lệ người thiệt mạng vì dịch cao nhất thế giới.

Lào gia hạn lệnh phong toả lần thứ 5

Để ứng phó với diễn biến dịch phức tạp, Chính phủ Lào ngày 4/7 thông báo tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7, trong bối cảnh nhà chức trách địa phương đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta nguy hiểm. Đây là lần thứ 5 quốc gia Đông Nam Á gia hạn lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 22/4.

Theo đài CNA, quyết định mới đồng nghĩa các trung tâm thể thao trong nhà, các quán rượu bia, quán bar, karaoke, tiệm mát xa và các tụ điểm giải trí khác như rạp hát, rạp chiếu phim, phòng chơi bi-a sẽ tiếp tục phải ngưng hoạt động. Các trường học ở thủ đô Viêng Chăn và những tỉnh có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoại trừ các cơ sở nội trú sẽ phải tiếp tục đóng cửa.

Tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu vực Đỏ (nguy cơ cao nhất) chưa được mở cửa trở lại, ngoại trừ những nơi đã cho toàn bộ nhân viên tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 và có khu vực nội trú cho người lao động trong khuôn viên. Việc ra vào các khu vực Đỏ bị cấm, ngoại trừ những trường hợp được chính quyền cho phép.

Lào đang cho triển khai các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, dù cho đến nay nước này mới ghi nhận 2.244 ca mắc với 3 trường hợp tử vong.

Israel lo xử lý 1,4 triệu liều vắc xin thừa

Các quan chức Israel ngày 4/7 cho biết, nước này đang đàm phán với các quốc gia khác về thỏa thuận chuyển giao số vắc xin ngừa Covid-19 dư thừa, do Pfizer/BioNtech sản xuất và sắp hết hạn vào cuối tháng 7 này.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Naftali Bennett nói, ông đã trao đổi với Albert Bourla, tổng giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer về các thỏa thuận tiềm năng nhằm hoán đổi vắc xin giữa nhà nước Do Thái và các quốc gia khác cũng như việc đảm bảo nhiều vắc xin hơn cho Israel . Theo ông Bennett, việc liên lạc đàm phán hiện do Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Israel đảm trách.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh 103 FM, Tổng vụ trưởng y tế Israel Hezi Levi xác nhận, các liều vắc xin dư thừa sẽ hết hạn vào ngày 31/7 và bất kỳ thỏa thuận chuyển giao nào cũng cần được sự đồng ý của Pfizer. Ông Levi tiết lộ thêm, nhà chức trách Do Thái từng đàm phán với Anh về một thỏa thuận hoán đổi vắc xin nhưng không thành.

Tháng trước, Palestine đã từ chối hoán đổi khoảng 1 triệu liều vắc xin với Israel với lí do hạn dùng không còn nhiều.

Kênh truyền hình Kan mới đây trích dẫn lời các quan chức Israel cho hay, nước này có gần 1 triệu liều Pfizer/BioNtech, với tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu USD sẽ hết hạn vào giữa tháng 7. Tổng cộng, Israel có khoảng 1,4 triệu liều vắc xin sẽ hết hạn vào cuối tháng, nhưng nhà chức trách hy vọng có thể kịp dùng 600.000 liều, bao gồm cả việc sử dụng chúng để chủng ngừa cho 300.000 trẻ em trong độ tuổi 12 - 15.

Israel bắt đầu xúc tiến một trong những chiến dịch tiêm phòng Covid-19 nhanh nhất thế giới vào tháng 12/2020 và cho đến nay đã chủng ngừa được gần 90% người dân trên 50 tuổi. Theo dữ liệu của Bộ Y tế, hiện chỉ còn gần 1/5 số người Israel đủ điều kiện chủng ngừa chưa được tiêm vắc xin.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 5/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 184,5 triệu người, gần 4 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 168,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh trên 91,5%.

- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 34,6 triệu ca mắc và 621.293 bệnh nhân không qua khỏi. Nhà Trắng thừa nhận, nước này đã không đạt được mục tiêu tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 cho 70% người dân vào ngày Quốc khánh 4/7 như Tổng thống Joe Biden đã đề ra. Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho đến hiện tại, 54,9% người dân nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 47,3% tiêm đủ cả 2 liều.

- Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 4/7 cảnh báo, nước này có thể phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm thứ tư vào cuối tháng 7 do sự hoành hành của biến thể Delta, khiến số ca nhiễm mới trong 5 ngày trở lại đây tăng mạnh trở lại. Ông Veran kêu gọi đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà để đối phó.

- Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố, chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã nhất trí thực hiện ngay lập tức khuyến nghị mới của Ủy ban Tiêm chủng thường trực quốc gia (STIKO) về việc tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ hai bằng công nghệ mRNA (ví dụ như vắc xin Moderna hay Pfizer/BioNtech) cho những người đã chủng ngừa mũi đầu tiên bằng chế phẩm của Astrazeneca. STIKO khẳng định, sự kết hợp vắc xin như vậy sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong phòng ngừa virus .

- Chính phủ Indonesia yêu cầu các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng 63 bệnh nhân tại bệnh viện Sardjito trên đảo Java tử vong do hết nguồn dưỡng khí chỉ từ ngày 3/7 đến sáng 4/7. Đại diện bệnh viện không tiết lộ có bao nhiêu người mắc Covid-19 trong số này.

Tuấn Anh

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Nhật công bố kế hoạch dùng hộ chiếu vắc xin Covid-19

Nhật công bố kế hoạch dùng hộ chiếu vắc xin Covid-19

Các nguồn thạo tin tiết lộ, Chính phủ Nhật đang dàn xếp để hơn 10 quốc gia khác, bao gồm cả Italia, Pháp và Hy Lạp chấp nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19 của nước này.

Campuchia tạm thời đóng cửa biên giới với Thái Lan và Việt Nam

Campuchia tạm thời đóng cửa biên giới với Thái Lan và Việt Nam

Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa ra lệnh xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng bảo vệ biên giới, ngoài việc triển khai các biện pháp mới khác để phòng chống dịch, kể cả tạm thời đóng cửa biên giới với Thái Lan và Việt Nam.

CÙNG VIETNAMNET CHUNG TAY ỦNG HỘ QUỸ VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19. MỌI ĐÓNG GÓP XIN GHI RÕ ỦNG HỘ MS 2021.VACXINCOVID
1. Chuyển khoản tới tài khoản Vietcombank:
  • - Tài khoản số 0011002643148 , Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
  • - Bank account: 0011002643148 , Bank for foreign trade of Vietnam - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNVX.
2. Chuyển khoản tới tài khoản Vietinbank
  • - Tài khoản Vietinbank: số 114000161718 , Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Đống Đa.
  • - Bank account Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch, Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, Swift code: ICBVVNVX126
3. Trực tiếp ủng hộ tại báo VietNamNet:
  • - Toà soạn Báo VietNamNet: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 092 345 7788
  • - Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam: số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 096 223 7788