Hôm nay (25/4), gần 7.000 lính hải quân Mỹ và Philippines đã tham gia cuộc tập trận chung mô phỏng giành lại một hòn đảo bị chiếm giữ ở Biển Đông.
Mỹ - Philippines bắt đầu tập trận gần biển Đông
Philippines cảnh báo TQ đe dọa tự do hàng hải
Lính Mỹ tuần tra trong hoạt động diễn tập chung với Philipppines. Ảnh: Reuters |
Các cuộc tập trận hàng năm được tiến hành theo Hiệp ước phòng thủ chung 1951 (MDT) giữa Mỹ và Philippines.
Gần 7.000 lính Mỹ và Philippines từ các tàu hải quân hai bên đã thực hiện cuộc tấn công đổ bộ mô phỏng để giành lại một hòn đảo bị chiếm giữ.Tuần trước, báo quân đội Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ rằng, hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Philippines làm gia tăng nguy cơ đối đầu vũ trang xung quanh các vùng tranh chấp ở Biển Đông - đây là mức cảnh báo cứng rắn nhất sau nhiều tuần xảy ra căng thẳng.
"Trong kế hoạch và hoạt động thực hiện của chúng tôi chưa từng đề cập tới Trung Quốc", Trung tướng Juancho Sabban, chỉ huy lực lượng quân sự miền tây Philippines nói với báo chí.
Cuộc tập trận "có ý nghĩa đơn giản là chúng tôi muốn làm việc cùng nhau, nâng cao kỹ năng", ông khẳng định. "Trung Quốc không nên lo lắng về Balikatan (tên cuộc tập trận có nghĩa là vai kề vai)".
Trả lời cho câu hỏi liệu Mỹ sẽ cung cấp các hỗ trợ trong tình huống lực lượng vũ trang Trung Quốc tấn công các đơn vị Philippines nếu xảy ra xung đột chủ quyền, Tướng Duane Thiessen, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết: "Mỹ và Philippines có một hiệp ước phòng thủ chung để đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ tham gia vào việc phòng thủ của bên còn lại".
Ông cũng khẳng định rằng, cuộc tập trận chung giữa hai nước bắt đầu từ tuần trước không liên quan gì tới Trung Quốc cũng như căng thẳng lãnh thổ trong khu vực. "Không có sự liên quan trực tiếp nào. Không có liên hệ giữa bãi đá ngầm Scarborough và động thái của Mỹ ở Thái Bình Dương", ông nói.
Trong khi đó, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines về chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bãi đá ngầm Scarborough hình móng ngựa là một trong số hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu và khí, nguồn cá và có những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới.
Trung Quốc, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển kể cả những khu vực sát bờ biển nước khác.
Thái An (theo Reuters)