Cả thế giới đang dõi theo và chịu tác động mạnh mẽ từ cái gọi là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Người Việt đương nhiên cũng vậy bởi thuộc về một đất nước có vị thế đặc biệt, vừa là nước bé bên cạnh Trung Quốc lại vừa phát triển kinh tế dựa vào kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoà Kỳ.

Chính vì thế, tôi đã đọc rất chăm chú với sự hứng thú cao hai bài phân tích về đề tài này của tác giả Mai Nhật Dương với nhan đề: “Quan hệ Mỹ - Trung: Từ tranh chấp thương mại sang đối đầu toàn diện”   “Bóng ma chiến tranh lạnh 2.0”.

Quả thật, tác giả đã rất công phu quan sát, sưu tầm số liệu và phân tích sắc sảo về nhiều khía cạnh nổi bật của quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều năm qua.

Theo tôi, tác giả đã tiếp cận vấn đề theo hướng cho rằng mặc dù biểu hiện bằng hành động trừng phạt thương mại thông qua hàng rào thuế quan nhưng đây thực chất là cuộc chiến về công nghệ, mà nước Mỹ, được đại diện và dẫn dắt bới Tổng thống Trump và giới tinh hoà chính trị đang sử dụng cách thức này để “bắt nạt” Trung Quốc với mục tiêu “…buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng, hoặc nếu còn tham vọng thì cũng không thể biến ước mơ hay tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới của mình thành hiện thực. Một Trung Quốc "phát triển hòa bình", không có tham vọng địa-chính trị toàn cầu và không đủ khả năng soán ngôi Mỹ như Anh, Nhật Bản hay Brazil... là điều phù hợp với lợi ích của nước Mỹ". 

Chính cách tiếp cận vấn đề và kết luận như trên đã khơi gợi trong tôi mong muốn đưa ra vài ý kiến ban đầu, không chỉ bình luận mà trong chừng mực nào đó tranh luận với tác giả. 

{keywords}
Mỹ - Trung: đối đầu quốc gia hay xung đột về hệ giá trị?

Trước hết, để tiếp cận vấn đề, nếu chúng ta coi câu chuyện về bản chất chỉ là cuộc chiến về công nghệ thì tôi có thể tiên lượng rằng Trung Quốc sớm muộn sẽ thắng bởi một lý do đơn giản. Đó là phát triển công nghệ cần hai thứ quan trọng là tiền và người, mà Trung Quốc có tiềm lực cho cả hai.

Chính phủ Trung Quốc có thể dùng tiền để tạo lập các cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu – phát triển và sử dụng nhiều tiền để mua nhân lực nghiên cứu tinh hoa nhất, không chỉ ở Mỹ mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Nước Mỹ có thể ban hành luật cấm xuất khẩu công nghệ nhưng làm sao cấm được sự dịch chuyển chất xám từ Mỹ qua Trung Quốc một khi nó gắn với quyền tự do di chú của cá nhân?

Hơn nữa, Mỹ không thể mang điểm yếu của mình ra để “chọi” với điểm mạnh của đối thủ bởi Chính phủ Mỹ không thể huy động ngân sách để trả lương và hậu đãi các nhà khoa học, trong khi ở Trung Quốc điều đó là có thể và họ đã từng làm. Và nếu vậy thì chả lẽ con người thông minh và thực tế như Tổng thống Trump không nhận biết việc này hay sao, khi phát động cái được gọi là “cuộc chiến” với Trung Quốc này? 

Thứ hai, có phải đây đích thực là cuộc đối đầu hay chiến tranh giữa các chủ thể là hai nhà nước và hai quốc gia kẻ thù, tương tự như chiến tranh xâm lược, thôn tính và huỷ diệt lẫn nhau xưa nay?

Xin thưa, chính tác giả đã so sánh và nêu ra điểm khác biệt căn bản giữa Chiến tranh lạnh của hai hệ thống thù địch trong quá khứ và cuộc chiến mới này, theo đó giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều lợi ích đan xen, vừa đối nghịch nhưng lại vừa hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau, khác hẳn giữa Mỹ và Liên Xô trước kia.

Ngoài ra, rất cần lưu ý một sự khác biệt nữa trong ứng xử của hai quốc gia. Nếu như ở phía Trung Quốc, bên được cho đang ở thế bị động, hệ thống chính trị có vẻ đang tuyền truyền cho toàn dân về cuộc đối đầu toàn diện với nước Mỹ và kêu gọi họ vào cuộc thì chính ở Mỹ, theo đúng các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, không có một sự ban bố nào của chính quyền về tình trạng tương tự với Trung Quốc cả, ngoài một số biện pháp chính sách và pháp luật nhằm vào các khía cạnh cụ thể như thương mại và kiểm soát công nghệ trong quan hệ với nước này.

Và nếu thực tế là như vậy thì liệu có thể đánh giá đây là cuộc chiến hơn thua tổng lực của Mỹ nhằm ngăn cản, không cho Trung Quốc vươn lên tranh giành ngôi vị quốc gia số 1 của mình không? 

Thứ ba, từ góc độ nghiên cứu và đánh giá khoa học, có thật sự tồn tại trên thế giới cái khái niệm hay tiêu chí ngôi vị “quốc gia hay cường quốc số một” không? Và nếu nước Mỹ thật sư quan tâm hay ám ảnh về điều này để đặt nó thành mục tiêu hành động thì có đúng rằng đa số người dân Mỹ suy nghĩ như vậy không?

Trên thực tế, đã và đang có rất nhiều chỉ số đánh giá so sánh được thế giới đưa ra về phát triển kinh tế, phát triển con người, trình độ khoa học – công nghệ hay tiến bộ xã hội v.v.., và theo các chỉ số đó, không bao giờ có bất cứ quốc gia nào, dù là Mỹ, đạt được ngôi vị đứng đầu tất cả.

Cho nên, tôi e rằng với trình độ chuyên nghiệp và tính cách thực dụng của người Mỹ, họ sẽ không tốn công sức để chạy theo các giá trị có tính huyễn hoặc và ảo ảnh như vậy.

Trong khi đó, chúng ta biết rằng với rất nhiều người Trung Quốc, nhất là giới tính hoa chính trị và trí thức, cái tham vọng cường quốc và sự ám ảnh về nỗi tủi nhục quốc gia do tụt hậu với các quốc gia khác và so với cả lịch sử của chính mình là có thật. 

Có phải Tổng thống Trump là nguyên nhân của cuộc chiến?

Cuối cùng, để chia sẻ quan điểm của mình, tôi xin đưa ra một cách nhìn khác về “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” hiện nay theo hướng đi tìm căn nguyên cội rễ của nó, từ đó tiên lượng khả năng đi xa và mở rộng của nó như thế nào.

Làm điều này, tôi muốn góp phần trả lời một câu hỏi đơn giản của nhiều người rằng: Có phải Tổng thống Trump là nguyên nhân của cuộc chiến này và giả sử rằng ông ta không thắng để tại vị ở nhiệm kỳ thứ hai, hoặc ít nhất sau ông ta thì cuộc chiến này với Trung Quốc sẽ kết thúc chăng? 

{keywords}
"Tổng thống Trump xuất hiện đúng thời điểm lịch sử giao phó."

Như phân tích của tác giả Mai Nhật Dương, tôi đồng ý rằng trên thế giới sau sự sụp đổ của bức tường Berlin và Liên Xô không còn Cuộc chiến tranh lạnh hay sự đối đầu của hai hệ tư tưởng chi phối toàn diện đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia thuộc hai phe đối nghịch. Một trật tự thế giới mới đã hình thành với nền tảng chung là kinh tế thị trường theo các tiêu chí và khung khổ chung của WTO.

Đồng thời, các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau không còn lấy đo làm cơ sở cho sự bài trừ nhau mà ngược lại, đó là sự tôn trọng chủ quyền, xác định cùng phụ thuộc và hợp tác lẫn nhau cho mục tiêu “win-win” hay phát triển và thịnh vượng chung. Điển hình của tình thế này chính là sự bỏ qua mọi định kiến về sự khác biệt chính trị, là bình thường hoá và phát triển quan hệ nhiều mặt giữa các quốc gia như Mỹ và phương Tây với Trung Quốc và Việt Nam. 

Tuy nhiên, cùng với sự hợp tác theo hướng hội nhập về kinh tế ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia thì các nhu cầu và đòi hỏi về sự tôn trọng luật chơi chung, sự thừa nhận, chia sẻ các giá trị chung mang tính tinh thần và đạo đức được biểu hiện tập trung ở độ tin cậy chính trị giữa các nhà nước cũng ngày càng tăng.

Đối với các nước phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng, vốn là các quốc gia đã tạo lập ra cả WTO lẫn khung khổ luật chơi của nó, việc tuân thủ các nguyên lý của cạnh tranh tự do, thương mại công bằng, pháp quyền dân chủ và đề cao nhân quyền không chỉ là yêu cầu tối thiểu mà còn là các giá trị đương nhiên, có tính phổ quát và do đó, đồng nghĩa với tính hiệu lực áp đặt cho mọi quốc gia.

Nói đến nước Mỹ là phải nói tới đặc thù của quốc gia này; nơi ở đó về nguyên tắc không có cái gọi là sự dẫn dắt, lãnh đạo hay áp đặt của chính quyền đối với người dân. Hay nói một cách khác, ở đó, mọi mục tiêu và động lực của các hành động của nhà nước và thể chế chính trị đều xuất phát từ dưới lên, tức hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức dân sự.

Linh hồn của các cơ sở hạ tầng này chính là tự do và chính quyền sinh ra là để bảo đảm cho tự do đó thông qua công cụ là nhà nước pháp quyền. Người Mỹ nói chung chứ không phải chỉ giới tinh hoa chính trị Mỹ luôn luôn tự hào về tự do là các giá trị của họ và cho rằng nó là cội nguồn của cả đạo đức và sức mạnh, cho nên muốn cả thế giới cũng phải thừa nhận, noi theo. 

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, bối cảnh tổng thể dường như ngược lại. Có thể vẫn là nền kinh tế thị trường như được vận hành theo một nguyên lý khác; theo đó, sự dẫn dắt và chỉ đạo mang tính định hướng và áp đặt của nhà nước vẫn là cơ bản.

Thay vì lấy tự do và giá trị của từng cá nhân làm mục tiêu hành động thì nhà nước định hướng xã hội vào các nỗ lực để có một nhà nước quốc gia mạnh mẽ và ngày càng vượt trội trên bình diện quốc tế.

Với mong muốn đó, chính quyền buộc phải hành động chủ động và can dự vào mọi hoạt động của cả xã hội và thị trường, vốn là điều mà người Mỹ nói chung khó có thể chia sẻ và chấp nhận. Chẳng hạn, tất cả đầu tư của nước ngoài vào Mỹ đều được tôn trọng và hoan nghênh nhưng đó phải là đầu tư của tư nhân mà không thể là đầu tư có nguồn gốc nhà nước hay bị chi phối bởi chính phủ. Lý do đơn giản bởi vì đó phải là các hoạt động kinh tế phi chính trị và chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh tự do trên thương trường chứ không phải bởi các tác động khác. 

Vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, tuy nhiên lại ở chỗ các giới hạn của tình hình. Nếu không có các điểm mốc về giới hạn như thâm hụt thương mại, kiểm soát tiền tệ hay chạy đua, giành giật về công nghệ v.v.. đã bị vượt qua trong quan hệ giữa hai bên, dẫn đến đồng thời những giới hạn được cho là nguy hiểm đối với nền kinh tế và lợi ích quốc gia của Mỹ thì rất có thể cuộc chiến này vẫn chưa xảy ra.

Do đó, trong cả câu chuyện này, theo cách nhìn của tôi, vai trò của Tổng thống Trump chỉ là sự xuất hiện đúng thời điểm của một nhân vật cần thực hiện một sứ mệnh được lịch sử giao phó. Đó chính là các hành động có tính khẩn cấp và kiên quyết để khôi phục cái được mô tả là sự công bằng nhưng thực chất là loại trừ nguy cơ để bảo vệ các giá trị tự do Mỹ. 

Nói một cách khác, tôi cho rằng các chỉ số về độ “vênh” trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã đi quá xa và đạt tới các giới hạn để bộc lộ ra bản chất về sự khác biệt về hệ giá trị và các tiêu chuẩn mà mỗi quốc gia đang theo đuổi. Chính điều này đã, đang và sẽ làm cho các sự vụ đối đầu giữa hai nước ngày càng trở nên phức tạp, kéo dài và khó khắc phục.  

Tóm lại, rất có thể và cũng rất nên rằng mỗi người chúng ta, những người Việt sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và bàn luận về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một tình thế mới của thế giới có liên quan đến mọi quốc gia.

Tuy nhiên, có lẽ ngoài việc phân tích, mổ xẻ các hiện tượng và tác động trực tiếp của nó, nhu cầu dự báo về diễn biến lâu dài của cuộc chiến này nói riêng và quan hệ Mỹ - Trung nói chung, bao gồm cả sự thay đổi của hiện trạng mỗi bên qua đó, là thực sự cần thiết.

Cho mục đích này, không có cách nào khác là cần nhận diện đúng bản chất và các nguyên nhân sâu xa của vấn đề, và đó cũng là điều tác giả xin được đóng góp và chia sẻ. 

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam