Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Myanmar vào thứ sáu, trở thành nhà lãnh đạo một nước phương Tây lớn đầu tiên tới quốc gia Đông Nam Á kể từ khi phương Tây áp dụng cấm vận với nước này cuối những năm 1990.
Cải cách Myanmar: 4 lý do để chế độ cũ thay đổi
Myanmar: Vì đâu Tổng thống thành nhà vận động dân chủ?
Suu Kyi hy vọng khởi đầu kỷ nguyên mới ở Myanmar
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Myanmar. Ảnh: Guardian |
Theo quan chức chính phủ Myanmar, quyết định này không được lên lịch trước trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của lãnh đạo Anh gồm các nước Nhật, Singapore, Malaysia và Indonesia. Một người phát ngôn của Phố Downing nói: “Chúng tôi chưa từng xác nhận trước kế hoạch công du của Thủ tướng".
Chuyến thăm được đưa thêm vào lịch trình của ông Cameron sau khi Myanmar tổ chức thành công cuộc bầu cử quốc hội hôm 1/4 và được phương Tây đánh giá tích cực. Nó diễn ra sau chuyến thăm của William Hague - Ngoại trưởng Anh vào tháng 1. Ông Hague cũng là chính khách Anh đầu tiên tới Myanmar từ năm 1955.
Một bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Thein Sein nói rằng, chặng dừng chân của ông Cameron, cho dù lên kế hoạch khá vội vàng, nhưng sẽ là "khoảnh khắc quan trọng" với Myanmar. Nó diễn ra trước một cuộc gặp quan trọng của các quốc gia EU vào 23/4 tại Brussels để cân nhắc về chính sách cấm vận của khối này với Myanmar và trước chuyến thăm Nhật của ông Thein Sein vào cuối tháng.
Ngoài ra, Baroness Ashton - người
phụ trách đối ngoại của EU cũng dự kiến thăm Myanmar vào 28/4 trong khi Thủ
tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã lên kế hoạch tương tự vào tháng 5. Bà Baroness
Ashton sẽ mở sứ quán của phái đoàn EU tại Yangon và gặp gỡ các nhà lãnh đạo
chính phủ cũng như phe đối lập.
Theo giới phân tích, ở đây có sự "phi lý nhất định" khi ông
Cameron sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Nam Á kể
từ khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng. Anh đã thúc đẩy mạnh mẽ
hơn các nước EU khác trong việc duy trì trừng phạt với Myanmar - chủ yếu là cấm
kinh doanh trong các lĩnh vực như gỗ, đá quý, các tài nguyên tự nhiên khác cũng
như ngăn chặn quan hệ quân sự.
Trong năm qua, quan điểm của Anh đã gây ra sự căng thẳng với các thành viên khác, đặc biệt là Đức - chủ tịch đương nhiệm của EU và Italy khi cả hai nước thúc giục có quan hệ mở rộng hơn với Myanmar.
Kể từ cuộc bầu cử quốc hội 1/4, một số nước EU đã kêu gọi dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt ngoại trừ lệnh cấm viện trợ quân sự. Nhưng Anh và một số thành viên nhỏ hơn trong khối gồm cả Cộng hoà Séc lại yêu cầu cách tiếp cận giai đoạn, nhằm gây áp lực thúc đẩy cải cách nhiều hơn.
EU đã nới lỏng một số biện pháp cấm vận với Myanmar bao gồm lệnh cấm đi lại với một số quan chức nước này. Mỹ, Nauy và Australia cũng đã dần dỡ bỏ một số trừng phạt với Myanmar và nhiều nước đã bắt đầu lên kế hoạch để các quan chức cấp cao thăm quốc gia này.
Phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế diễn ra sau khi chính phủ Myanmar tiến hành cuộc bầu cử 1/4 với thắng lợi lớn của lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi và đảng của bà. Bà Suu Kyi đã có một ghế trong quốc hội trong số 43 vị trí mà các ứng viên đảng của bà giành được. Bà sẽ bước vào quốc hội Myanmar vào cuối tháng 4.
Trong chuyến công du một ngày,
ông Cameron sẽ gặp Tổng thống Thein Sein ở Naypyidaw và bà Suu Kyi ở Yangon. Ông
cũng sẽ hội đàm với một số nhà lãnh đạo trong chính phủ và quốc hội Myanmar. Các
cuộc gặp của Thủ tướng Anh sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ song phương
trong bối cảnh Myanmar đang cải cách mạnh mẽ.
Anh trong những năm gần đây trở thành nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Myanmar - ngay cả khi họ phản đối nới lỏng cấm vận. Trong chuyến thăm tháng 1, Ngoại trưởng William Hague đã cam kết viện trợ 289 triệu USD trong ba năm cho các dự án giáo dục và y tế của quốc gia Đông Nam Á. Con số này có thể tăng mạnh trong ít năm tới khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được nới lỏng hoặc chấm dứt.
Nhật Bản gần đây đã quyết định bắt đầu lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa tại Myanmar rằng, nới lỏng trừng phạt của phương Tây sẽ mở rộng rất nhiều mối quan hệ quốc tế và kinh doanh.
Nhưng dấu hiệu đáng kể nhất của một nước phương Tây để cải tiến quan hệ với Myanmar là Mỹ. Tuần trước, Mỹ tuyên bố bắt đầu nới lỏng hạn chế về tài chính với Myanmar. Hôm thứ sáu, Washington đã đề cử Derek Mitchell - đặc phái viên của Nhà Trắng tại Myanmar - làm đại sứ mới của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù phải chờ được thông qua, nhưng quan chức Myanmar nói rằng, đó chỉ là "hình thức".
Thái An (theo Financial Times)