- Từ 1/1/2013 mức phí sử dụng đường bộ đối với ôtô sẽ được thu từ 130.000đ - 1.040.000đ/tháng và giảm dần theo năm…


Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện vừa được Bộ Tài chính ban hành

Thấp hơn dự kiến

Theo đó, mức thu thấp nhất đối với loại hình ôtô là xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (đăng ký tên cá nhân) là 130.000 đồng/tháng, thấp hơn 50.000 đồng/tháng so với mức dự kiến.

Mức phí cao nhất đối với loại hình ô tô, được áp dụng cho xe tải và xe chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên là 1,04 triệu đồng/tháng hoặc 12,48 triệu đồng/năm. Trước đó, mức thu dự kiến là 1,44 triệu đồng/tháng hoặc 16,76 triệu đồng/năm.

Để phục vụ công tác thu phí, Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%.

Nội dung thông tư cũng nêu rõ, các mức thu trên sẽ giảm dần sau mỗi năm. Chẳng hạn mức thu của mỗi tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của mỗi tháng năm thứ nhất.

Mức thu của mỗi tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 30 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của mỗi tháng năm thứ nhất.

Đối với xe máy các mức thu sẽ được tính theo năm. Cụ thể, quy định khung đối với xe có dung tích xilanh từ 100cm3 trở xuống là 50.000 - 100.000đ/xe. Xe 100cm3 trở lên là hơn 100.000 - 150.000đ/xe. Mức thu này cũng thấp hơn dự kiến.

Với loại hình môtô, xe gắn máy, HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức thu cụ thể nằm trong khung nêu trên nhằm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xilanh chịu một mức thu duy nhất là 2,16 triệu đồng/xe/năm.

Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm quy định không thu phí đối với xe máy điện và miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.

Riêng đối với xe ôtô của lực lượng an ninh, quốc phòng sẽ thu theo hình thức vé, mức cụ thể là 1 triệu đồng hoặc 1,5 triệu đồng/vé/năm tùy theo loại hình phương tiện.

Phí được thu theo dán tem đăng kiểm xe

Cũng theo thông tư này, chủ xe ôtô sẽ nộp phí tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan đăng kiểm sẽ dán tem nộp phí tương ứng với thời gian nộp.

Cụ thể, đối với xe ôtô có chu kỳ đăng kiểm từ 1 năm trở xuống, chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ đăng kiểm và được dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Đối với xe ôtô có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm (18, 24 và 30 tháng), chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng). Trường hợp nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian đăng kiểm.

Trường hợp nộp phí theo năm, cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm nộp phí và được dán Tem nộp phí của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

Với trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm quy định, cơ quan đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước.

Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 1 tháng...

Với xe ôtô nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam, kỳ tính phí là khoảng thời gian được phép lưu hành tại Việt Nam. Thời điểm nộp phí là khi nộp hồ sơ xin nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam.

Đối với xe máy, chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn. Đối với xe máy lưu hành trước 1/1/2013 thì sẽ thực hiện kê khai từ thời điểm đó, còn xe lưu hành sau ngày này, chủ phương tiện phải kê khai theo nộp phí theo chu kỳ 6 tháng.

Để phục vụ công tác thu phí, Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%.

Xe ô tô bị tai nạn, dừng hoạt động 30 ngày sẽ không phải chịu phí
 

Đối với xe ô tô thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ, trong các trường hợp xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sữa chữa từ 30 ngày trở lên sẽ không phải chịu phí sử dụng đường bộ.
 
Trong trường hợp nếu xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp (áp dụng đối với xe ô tô bị hủy hoại, tịch thu không được tiếp tục lưu hành) hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau (áp dụng với xe ô tô vẫn tiếp tục được lưu hành sau khi được sửa chữa) tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ nếu có đủ hồ sơ theo quy định (tại điều 8 của thông tư).
 
Không áp dụng đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, lực lượng công an và xe nước ngoài tạm lưu hành tại Việt Nam. 

Vũ Điệp