Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ điện tử và kết quả kiểm tra của Tổ công tác năm 2018 tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nêu kết quả điểm nổi bật trong báo cáo tóm tắt về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ điện tử và kết quả kiểm tra của Tổ công tác năm 2018 tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 28/12...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện tăng 13 bậc. Việc triển khai Chính phủ điện tử đã lan toả mạnh mẽ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu năm 2017, các bộ, cơ quan mới phê duyệt hoặc đề xuất phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh thì năm 2018 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi…

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong cải cách thủ tục hành chính, thể chế, chính sách cho hoạt động cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính đã cơ bản được hoàn thiện. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 49 văn bản (02 Nghị định, 23 Nghị quyết, 09 Quyết định, 02 Chỉ thị, 13 văn bản chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ), đã tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác này...

Các Bộ, cơ quan đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hoá 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết...

Phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã thay đổi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; cắt giảm chế độ báo cáo, số lượng các cuộc họp và các loại giấy tờ không cần thiết, việc giải quyết thủ tục hành chính được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hoạt động của các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh (đến nay đã thành lập 39 trung tâm hành chính công cấp tỉnh)...

Các phản ánh, kiến nghị, các bức xúc của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận đầy đủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Năm 2017-2018, có 14.906 phản ánh, kiến nghị đã được tiếp nhận, trong đó có 2.464 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị (đạt tỷ lệ 82,14%)...

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện tăng 13 bậc...

Triển khai Chính phủ điện tử lan toả mạnh mẽ

Việc triển khai Chính phủ điện tử đã lan toả mạnh mẽ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và sự tham gia của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và tạo hành lang pháp lý cho việc thiếp lập, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Đã có 71/95 cơ quan đã triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử; 93 bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành mã định danh của cơ quan mình.

Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam tăng 01 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, lãnh thổ và đứng thứ 06/11 quốc gia khu vực ASEAN; mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc (theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2018).

Hoàn thiện thể chế, chính sách về Chính phủ điện tử

Về Chính phủ điện tử, xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý cho xây dựng, phát triển công nghiệp công nghệ số, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh…

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về Chính phủ điện tử, như ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; các Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu, về xác thực và định danh điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng.

Về thực hiện nhiệm vụ được giao, cho phép công bố công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ giao của các bộ, cơ quan, địa phương trên Cổng TTĐT Chính phủ hàng tháng, hàng quý; có biểu dương, khen thưởng các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ giao; phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc đối với các bộ, cơ quan, địa phương có nhiệm vụ quá hạn còn nhiều.

Trong năm 2019, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; kiểm tra chuyên đề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ…  và kiểm tra chuyên đề đối với các nhiệm vụ giao có tính cấp bách liên quan đến an sinh xã hội, đời sống người dân cần khẩn trương thực hiện.

Năm 2018, có 18.820 nhiệm vụ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 11.253 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành (đạt 98,1%); 7.349 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn; 218 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước và giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác được thành lập (25%).

Kể từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra. Riêng năm 2018, Tổ công tác đã tiến hành 21 cuộc kiểm tra. Trong đó, có 11 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao và 10 cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.

Thông qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện kịp thời, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, nhiều vướng mắc bất cập về thể chế, chính sách được tháo gỡ, những khoảng trống pháp lý cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung, như: Việc thay đổi chính sách thuế quy định tại Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ; việc áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài và các trường hợp hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách trong việc thực hiện thí điểm tập trung, tích tụ đất đai trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai…

Tiết kiệm 5.407 tỷ đồng/năm từ cải cách kiểm tra chuyên ngành

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ đến các bộ, cơ quan. Năm 2017, các bộ, cơ quan mới phê duyệt hoặc đề xuất phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh thì năm 2018 là một năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi..

Cụ thể, về kiểm tra chuyên ngành, đến nay, các Bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền được 21 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, đã cắt giảm, đơn giản hoá 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra) và 30 thủ tục.

Có 8/10 Bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc cắt giảm gồm: LĐTB&XH; Công thương; Xây dựng; Giao thông vận tải; Tài nguyên và môi trường; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế.

Với việc đơn giản, cắt giảm 6.665 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục của 8 Bộ nêu trên đã tiết kiệm cho danh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm.

Hơn 3.000 điều kiện kinh doanh được cắt giảm

Về cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, đến nay các Bộ đã trình ban hành được 28 văn bản quy phạm pháp luật, đã cắt giảm, đơn giản được 3.345/6.191 (tương đương 54,5%, đạt 108,1%, vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao).

Có 9/14 Bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, gồm: Công thương; Y tế; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Lao động – Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải, Tài Chính; Giáo dục và Đào tạo.

Việc cắt giảm, đơn giản hoá 3.015 điều kiện kinh doanh của 9 Bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.911.650 ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm, chưa kể khoản chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì, đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Tiếp tục đơn giản hoá, cắt giảm thực chất

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, cơ quan chậm trễ trong việc trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, trừ 16 dự thảo Luật phải thực hiện theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, hiện còn 33 văn bản về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh chưa được ban hành..

Một số danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, đơn giản còn mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, còn điều kiện kinh doanh đưa ra yêu cầu quá mức cần thiết..

Về cải cách hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị tiếp tục rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng; kiên quyết không để phát sinh các điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành so với số lượng còn lại sau khi đã cắt giảm, đơn giản hoá; kiên quyết loại bỏ việc lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương hoặc biến tướng thành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật..