Năm 2023 cũng là kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người (VDPA), là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng nhau nhìn lại các thành tựu đã đạt được và các thách thức trong thời gian tới trong việc bảo đảm những giá trị chung, phổ quát, những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện trong các văn kiện này.

W-phienhop-1.png

Với bối cảnh cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế như vậy, trong năm 2023, Hội đồng Nhân quyền đã tích cực phát huy vai trò là cơ quan quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, bám sát các quan tâm chung mang tính thời sự của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng thể hiện nhiều cọ xát, thậm chí mâu thuẫn, đối đầu trực diện giữa các nước, nhóm nước.

Trong năm 2023, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động với cường độ cao, hoàn thành khối lượng công việc nhiều nhất kể từ khi thành lập năm 2006, với 180 cuộc họp chính thức toàn thể trong khuôn khổ 3 Khóa họp thường kỳ và 1 Phiên họp đặc biệt, xem xét 231 báo cáo, thông qua 110 Nghị quyết (khoảng 2/3 trong số này được thông qua bằng đồng thuận), 41 Quyết định và 1 Tuyên bố Chủ tịch, cùng nhiều phiên họp của các Nhóm làm việc, Nhóm chuyên gia, trong đó Nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã xem xét, thông qua báo cáo của 42 quốc gia.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các ưu tiên của mình và đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, trong năm 2023 đã có khoảng 450 sự kiện bên lề các Khóa họp thường kỳ được các nước tổ chức với nhiều chủ đề phong phú.

PV