Sáng 9/12,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc trực tuyến với Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương về một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và báo cáo số liệu phục vụ công tác phân bổ chỉ tiêu phát triển đoàn viên năm 2025.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã báo cáo các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2024, số liệu nguồn phục vụ công tác phát triển đoàn viên năm 2025.
Cụ thể, trong năm 2024, Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, công đoàn ngành và tương đương đã thành lập được 271 công đoàn cơ sở (trong đó thành lập 12 nghiệp đoàn); phát triển 116.227 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ).
Cũng trong năm 2024, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập 224 công đoàn cơ sở, giảm 156.055 ĐVCĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 4.151 công đoàn cơ sở với 770.237 ĐVCĐ/ 818.131 công nhân lao động trong các đơn vị có tổ chức công đoàn.
Thông qua báo cáo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phân tích nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các cấp Công đoàn tỉnh tập trung các giải pháp để khắc phục những ảnh hưởng đến của đoàn viên, nâng cao chất lượng đời sống của người lao động. Tiếp tục chăm lo tốt đời sống, hỗ trợ tích cực cho những lao động không may bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo...
Bình Dương sẽ đổi mới phương thức thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực. Tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Nghiên cứu mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức.
Với những kiến nghị của của LĐLĐ tỉnh, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã trả lời, giải đáp một số nội dung tại buổi làm việc, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để đề ra giải pháp tối ưu nhất trong thời gian tới.
Theo báo cáo, từ năm 2018 đến nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo của UBND tỉnh về phối hợp với các sở, ngành chức năng, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công nhân, viên chức, lao động, các vụ tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh và chính quyền các cấp đã hỗ trợ quà Tết cho người lao động xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở lại Bình Dương đón Tết với tổng trị giá hơn 132 tỷ đồng; kinh phí xây dựng 2 Trung tâm Văn hóa Lao động với số tiền hơn 90 tỷ đồng; hỗ trợ "Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" hơn 2,4 tỷ đồng.
Để tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã ký kết Quy chế phối hợp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2028. Trong đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp với “3 quan tâm”: Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cùng “5 đẩy mạnh”: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với giai cấp công nhân và người lao động.
Ngô Huyền