Các đại biểu tham quan khu trưng bày những cuốn sách giành Giải thưởng Sách Quốc gia..jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu trưng bày sách đoạt giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 - năm 2024.

Hoàn thành phổ cập hạ tầng số

Năm 2024 được ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xác định là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Năm 2024 kinh tế số với 4 trụ cột (Công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số. Ứng dụng rộng rãi AI, trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức) đã có những bước tiến dài về lượng và chất.

Cũng trong năm 2024, lĩnh vực báo chí xuất bản và truyền thông đã lấy lại được không gian mạng, dùng nó làm trận địa chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Một trong những điểm đột phá của ngành TT&TT năm 2024 là đã hoàn thành mục tiêu “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Ðộng lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động”.

Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng tới 15 bậc trong năm 2024, khi Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia được khảo sát. Tại Ðông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Với lĩnh vực bưu chính, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8. Trước đó, tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ; đứng thứ 4 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong ASEAN.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật, năm 2024 Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Luật Viễn thông 2023 và Luật Giao dịch điện tử 2023 chính thức có hiệu lực kể từ 1/7/2024.

Ngoài ra, Nghị định số 147/2024/NÐ-CP ngày 9/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ ngày 25/12/2024) cũng là chính sách mới được dư luận hết sức quan tâm.

Tắt sóng 2G, thương mại hóa 5G

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, để phổ cập hạ tầng số thì hạ tầng viễn thông chính là xương sống. Theo đó, ngày 15/7/2024, Bộ TT&TT đã công bố số liệu về tốc độ truy cập Internet Việt Nam tới tận xã/phường của từng doanh nghiệp viễn thông nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam.

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần B1 (2500 - 2600MHz), C2 (3700 - 3800MHz), C3 (3800 - 3900MHz) thu về cho ngân sách nhà nước 12.697 tỷ đồng.

Ngoài số tiền bổ sung vào ngân sách, việc có thêm băng tần là tiền đề để thương mại hóa 5G trên toàn quốc, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số. 

Theo đó, ngày 16/10/2024, lộ trình ngắt sóng 2G cũng chính thức hoàn thành đúng hẹn; thúc đẩy người dân chuyển sang dùng điện thoại thông minh (smartphone) để từ đó người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số, dịch vụ hành chính công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó 1 ngày (ngày 15/10/2024), Tập đoàn Viettel đã chính thức khai trương cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc, với tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G đạt 93,34%.

Mới đây (ngày 20/12), Tập đoàn VNPT cũng chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G trên toàn quốc với cam kết độ phủ 85% dân số.

Khi hạ tầng 5G được hoàn thiện, cùng với mạng lưới cáp quang rộng khắp sẽ nâng tỉ lệ người dân Việt Nam tiếp cận Internet, qua đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tiến mạnh hơn nữa.

Ðược biết, tính đến ngày 15/12/2024, 63/63 tỉnh thành cũng đã thành lập được 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 457.820 thành viên, phủ tới từng thôn, bản để hỗ trợ người dân hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số theo phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Khi hạ tầng số ngày càng hoàn thiện, khi nhân lực chuyển đổi số đã sẵn sàng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sau quá trình phổ cập sẽ là giai đoạn bứt phá và tăng tốc mạnh mẽ.

2024 - doanh thu toàn ngành tăng trưởng 16%

Nhìn lại bức tranh tổng thể kinh tế toàn cầu năm 2024 với nhiều biến động, được các chuyên gia và các định chế tài chính tổng kết qua 3 đặc trưng lớn: Tăng trưởng chậm, nhạy cảm cao và thay đổi sâu sắc.

Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó ngành TT&TT là một điểm sáng với những đóng góp to lớn.

VNPT đang hoàn thiện những khâu cuối cùng, để đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiếp theo phổ cập mạng 5G.JPG
Một trong những điểm đột phá của ngành TT&TT năm 2024 là đã hoàn thành mục tiêu phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số.

Cụ thể, năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt khoảng 4.353.266 tỷ đồng, tăng 16,27% so với năm 2023. Ðóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 954.101 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023.

Nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 97.064 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT ước khoảng 1,8 triệu lao động, tăng 23% so với năm 2023. Trong đó:

* Lĩnh vực bưu chính đạt doanh thu khoảng 71.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 109,6% kế hoạch. Nộp NSNN ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 83,3% kế hoạch.

* Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 151.262 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,9%, tăng 3,3%; Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 99,9 thuê bao, tăng 17%. Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet đạt 65,49%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu.

* Tổng doanh thu lĩnh vực An toàn thông tin mạng ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền nộp NSNN ước đạt 392 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2023. Số lượng lao động khoảng 4.238 người, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có hơn 13,3 triệu chứng thư chữ ký số được cấp (gồm hơn 12,45 triệu chứng thư chữ ký số công cộng, gần 900.000 chứng thư chữ ký số chuyên dùng Chính phủ).

* Tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp công nghệ số khoảng 152 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2023 (137 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu phần cứng, điện tử 133,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2023. Số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động là 54.500, tăng 14,89% so với cùng kỳ năm 2023.

* Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên số tiền nộp NSNN ước đạt 380 tỷ đồng, giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng doanh thu lĩnh vực in ước đạt 90.160 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023 (92.000 tỷ đồng) và chỉ đạt 90,2% so với kế hoạch năm 2024. Số tiền nộp NSNN đạt 3.334 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023 (3.402 tỷ đồng).

Tổng doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm ước đạt 4.800 tỷ đồng, dù tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, những chỉ đạt 96,57% kế hoạch năm 2024. Số tiền nộp NSNN đạt 68 tỷ đồng, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chỉ bằng 94,44% kế hoạch năm 2024.

* Lĩnh vực Báo chí, truyền thông cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh thu, ước đạt 8.080 tỷ đồng; giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%.

Bưu chính 1 boc OK.jpg

    

Ðể đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, Bộ TT&TT đã xác định trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia của năm 2024 là phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn là chạy theo số lượng.

Dễ thấy, công cuộc chuyển đổi số đã bước sang năm thứ 5, tức là đã vượt qua giai đoạn thí điểm và khởi động, giờ là quá trình phổ cập và tăng tốc nên những thành quả nêu trên dù đáng ghi nhận nhưng vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trong năm 2025.

2025 – dịch vụ công sẽ được cá nhân hóa

Bước sang năm 2025, Bộ TT&TT sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ về mặt tổ chức khi hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng chính vì thế các lĩnh vực trọng tâm của ngành TT&TT đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu hết sức tham vọng. Cụ thể, lĩnh vực bưu chính phấn đấu: 100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ, 90% số điểm có kết nối Internet. Hoàn thành dự án Luật Bưu chính sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội ban hành năm 2026.

Lĩnh vực viễn thông phấn đấu 83% số hộ gia đình được sử dụng cáp quang; xây dựng và đưa vào khai thác thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới.

Nâng tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 70%; mở rộng vùng phủ sóng 5G và số trạm 5G đạt 50% số trạm 4G. Lĩnh vực An toàn thông tin mạng phấn đấu duy trì thứ hạng của Việt Nam đứng trong top 30 thế giới; nâng tỷ lệ tên miền gov.vn được gán tín nhiệm mạng đạt 95%; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số/chữ ký điện tử.

Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia năm 2025, Bộ TT&TT phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QÐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Trong đó ở mảng Chính phủ số, phấn đấu nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước lên 80%; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phổ cập dịch vụ số cho người dân theo hướng toàn trình và cá nhân hóa.

Ở lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 đạt 20,5%. Nâng tổng doanh thu kinh tế số đạt 52 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2024 (40 tỷ USD).

Ðưa tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT lên khoảng 165 tỷ USD (tương ứng với 4.200.000 tỷ đồng), tăng 8-10% so với năm 2024. Nâng số doanh nghiệp ICT lên 59.000 doanh nghiệp, tăng 9,3% so với năm 2024…

Ðúng như quan điểm Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhiều lần nhấn mạnh, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi (quan hệ sản xuất) hơn là cách mạng về công nghệ (lực lượng sản xuất).

Do đó, những thành quả phổ cập chuyển đổi số của năm 2024 sẽ là tiền đề cho năm 2025 tăng tốc và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Vinh dự và tự hào hơn khi Bộ TT&TT được Ðảng, Chính phủ và Nhân dân giao trọng trách dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia – nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng cũng rất đỗi tự hào.