Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản, được hỗ trợ viện phí những lúc ốm đau.

Có thu nhập ổn định từ công việc buôn bán, tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hợp, ở Xuân Đỉnh, Hà Nội sớm nhận thức được những rủi ro bản thân có thể gặp phải khi về già, không còn khả năng lao động. Qua tư vấn của nhiều người bạn, chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai. “Cuộc sống nhiều biến cố không thể biết trước được điều gì. Tôi không muốn đến lúc về già phải phụ thuộc vào con cháu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nên quyết định tham gia BHXH để sau này về già sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT”.

anh 2s.jpg
Công tác tuyên truyền về BHXH cần đa dạng các hình thức để người dân dễ tiếp cận. Ảnh: T.Q

Tương tự, anh Nguyễn Văn Bình, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội từ năm 17 tuổi đã bươn trải kiếm sống đủ mọi nghề, từ thợ xây, thợ sắt và hiện là nghề xe ôm. Đến nay khi đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe giảm sút anh mới chợt nhận ra là phải mua BHXH phòng lúc đau ốm, không có tiền vào bệnh viện chữa trị.

Tuy nhiên, không phải người dân nào, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu được như vậy. Một cán bộ Hội phụ nữ một xã nghèo của huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết, nhiều người dân chưa thực sự am hiểu đầy đủ về các loại hình bảo hiểm, đối tượng sử dụng, chế độ, quyền lợi của người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp đôi. Bởi người dân ở các xã nghèo mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, thu nhập không ổn định… 

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về BHXH cần được tiến hành chủ động, thường xuyên, đa dạng các hình thức để người dân dễ tiếp cận. Thống kê cho thấy, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 47.200 tin, bài, phóng sự (trung bình có hơn 86 tin, bài/ngày) tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức trên 57.000 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, tập huấn,... với 2,22 triệu lượt người tham dự (trong đó, có khoảng gần 44.000 hội nghị truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình); Tổ chức khoảng 197.400 cuộc truyền thông nhóm nhỏ với khoảng 1,4 triệu lượt người được truyền thông; có trên 1,6 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; khoảng 1.700 cuộc ra quân quy mô cấp tỉnh, huyện. 

Đồng thời, toàn ngành BHXH tiếp tục tăng cường thông tin về chính sách BHXH trên Cổng Thông tin điện tử, các kênh truyền thông mạng xã hội (Fanpage Facebook, Zalo OA) của BHXH Việt Nam, Tạp chí BHXH.

Để tiếp tục phát huy những kết quả này, BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 4518 về công tác thông tin, truyền thông năm 2024. Kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân. Nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động, người dân về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam; được tiến hành trước một bước nhằm tác động vào nhận thức, góp phần định hướng dư luận với các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT mà dư luận xã hội quan tâm.

Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông được triển khai đa dạng, linh hoạt, tiếp tục đổi mới toàn diện, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ thể, đặc điểm văn hóa vùng miền, đảm bảo truyền tải thông tin dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá; Kết hợp hài hòa giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch; các hình thức truyền thông truyền thống với các hình thức truyền thông hiện đại. 

Cụ thể, nội dung truyền thông thường xuyên là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện các chính sách của ngành BHXH Việt Nam; Ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT nhằm tiếp tục củng cố, tạo niềm tin sâu rộng trong toàn xã hội về giá trị nhân văn, tính ưu việt của hệ thống an sinh xã hội nước ta; Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT góp phần chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và người lao động…

Nội dung truyền thông theo chuyên đề về vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT….

Đặc biệt, BHXH sẽ chú trọng tổ chức hình thức truyền thông thường xuyên như tổ chức các hội nghị truyền thông; truyền thông qua các phương tiện truyền thông của ngành như hệ thống Cổng Thông tin điện tử của ngành BHXH Việt Nam và Tạp chí BHXH; truyền thông qua ứng dụng VssID-BHXH số; truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua các sản phẩm truyền thông; truyền thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giải đáp…

Tiến Quang