Chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện nhận thức của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất.

Ở cấp độ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được thực hiện ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Bắt nhịp với xu thế của thế giới và trong nước, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bước đầu chuyển động để tiếp cận, thích nghi, thúc đẩy, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Sáu tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc ghi nhận chuyển động mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Hà Nguyễn.

Chính quyền số đang từng bước được hoàn thiện với mục tiêu coi nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ trên các nền tảng số bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả.

Kinh tế số đã có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua việc các doanh nghiệp triển khai, thực hiện phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP), ứng dụng công nghệ số trong trong quản trị doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh.

Xã hội số đang hình thành thông qua việc cán bộ nhà nước, học sinh, sinh viên, thanh niên, nhân dân sử dụng các dịch vụ liên quan đến hội họp, học tập, chẩn đoán bệnh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán điện tử...

Sáu tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc ghi nhận chuyển động mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 488/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Đến 31/5/2022, có 27/36 cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025; 23/36 cơ quan đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số.

Triển khai nhiệm vụ thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viễn thông Vĩnh Phúc hoàn thiện việc cải tạo phòng điều hành, lắp đặt hệ thống các thiết bị điện nhẹ, màn hình ghép hiển thị trực quan thông tin phục vụ giám sát, đường truyền phục vụ công tác truyền số liệu và các thiết bị công nghệ thông tin tại phòng điều hành.

Hệ thống của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh bước đầu giúp thu thập thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. 

Phần mềm một cửa dịch vụ công trực tuyến iGate chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2022 đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tính đến ngày 27/5/2022 đã thực hiện 3.812 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tổng số tiền giao dịch hơn 3,3 tỷ đồng. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 189 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài khả năng liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa cấp tỉnh/huyện/xã trong nội bộ các cơ quan đang sử dụng phần mềm quản lý văn bản dùng chung thì hệ thống phần mềm quản lý văn bản dùng chung còn có thể liên thông gửi nhận văn bản điện tử lên Trục liên thông văn bản Quốc gia với các cơ quan Trung ương. 

Từ 1/1/2022 đến 25/5/2022, có 410.269 văn bản đến và 116.620 văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản ở cả 3 cấp; có 114.754 văn bản đi ký số trên phần mềm quản lý văn bản. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 98%; các sở, ban, ngành là 99%; UBND các huyện, thành phố là 96%; UBND các xã, phường, thị trấn là 98%.

Mục tiêu Top 10 năm 2025 về chuyển đổi số

Quá trình thực hiện chuyển đổi số ở Vĩnh Phúc đang đi đúng hướng; đã lựa chọn được những công việc đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song kết quả hoạt động chuyển đổi sổ, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế, như:

Năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng rất thấp về chuyển đổi số (DTI). Trong đó có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng là nhận thức của nhiều người, đặc biệt là người đứng đầu trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị còn chưa quyết tâm chính trị, chưa thực hiện công việc đúng vai, đúng mức, đúng tầm, chưa thực sự gương mẫu, chưa sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến chuyển đổi số. Hạ tầng số trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng cho các công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối thời gian thực. Nền tảng số, hoạt động số còn manh mún, rời rạc, phân tán, không có khả năng chia sẻ dữ liệu... 

Để chuyển đổi số thực sự là vận hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra những yêu cầu cụ thể.

Tập trung cao độ cho việc chuyển đổi nhận thức, từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân phải sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và cho xã hội. 

Vĩnh Phúc quyết tâm chuyển đổi số, hướng tới điều hành xã hội qua các nền tảng số
thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

Cơ quan chuyên môn ban hành cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi số.

Đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng số của tỉnh. Lựa chọn, khuyến cáo những nền tảng số bảo đảm chất lượng, thuận tiện để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng; bảo đảm an toàn không gian mạng của tỉnh, các hệ thống thông tin của tỉnh được giám sát, bảo vệ.

Khẩn trương hình thành kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh, tham mưu việc số hóa các thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu tại các sở, ngành, địa phương.

Thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 04 địa phương (cấp xã, phường) như: thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo; xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương; xã Lãng Công, huyện Sông Lô.

Các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh, bảo đảm 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) được ký điện tử. Thực hiện nghiêm túc việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến người dân, doanh nghiệp, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, để hoạt động cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả. Cung cấp, cập nhật thông tin của đơn vị mình theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. 

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh gia đoạn 2021 – 2025 với mục đích thúc đẩy chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở hoàn thiện chinh quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. 

Phấn đấu vị trí xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh nằm trong Top 20 của cả nước năm 2022 và vươn lên Top 10 vào năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số, các dịch vụ đô thị thông minh được triển khai đại trà, rộng khắp, kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, rộng khắp. 

Tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành để triển khai kịp thời, đúng tiến độ nhiệm vụ chuyển đổi số; tham khảo mô hình, học tập kinh nghiệm tại các địa phương đã thực hiện hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử.

Tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chính quyền điện tử đặt ra tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025. Quyết liệt chỉ đạo việc vận hành, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Xây dựng công cụ giám sát, đánh giá việc vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương. 

Quỳnh Nga