Ngày 30/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chủ trì buổi hội chẩn trực tuyến lần 5 với các bệnh viện trên cả nước về tình hình điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, TS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tại bệnh viện đang điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân đang phải can thiệp ECMO là 416 và 437, 2 trường hợp khác đang phải thở máy.

Trong hôm nay, bệnh viện sẽ chuyển 5 bệnh nhân suy thận mạn ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.

{keywords}

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia hội chẩn trực tuyến từ đầu cầu Bộ Y tế. Ảnh: Lê Hảo

 

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 1 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, phía bệnh viện cũng đề nghị chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh viện C Đà Nẵng báo cáo đang điều trị 2 bệnh nhân là 420 và 445, trong đó bệnh nhân 420 có tiến triển tốt hơn, không còn cảm giác khô miệng, vận động tay chân bình thường, thông khí phổi tốt.

Tại điểm cầu Bệnh viện Trung ương Huế, GS Nguyễn Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân 438 từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến, hiện bệnh nhân có tiến triển tốt hơn rất nhiều, không phải nằm hồi sức tích cực.

Bệnh viện cũng đang chuẩn bị tiếp nhận thêm các ca bệnh từ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đồng thời chuẩn bị khu tiếp nhận bệnh nhân nặng.

Từ đầu cầu Quảng Nam, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, về cơ sở vật chất bệnh viện đa khoa Quảng Nam có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nhưng nhân lực và trang thiết bị bệnh viện còn thiếu nhiều. GS Tuấn đề nghị các bệnh viện từ TP.HCM bổ sung nhân lực (bác sỹ, điều dưỡng) hồi sức tích cực cho Quảng Nam.

Tại TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 2 bệnh nhân 449 và 450, trong đó ca 449 trong tình trạng nặng do nhiễm trùng phổi, tiền sử cao huyết áp, sử dụng Corticoid trong thời gian dài.

Tại buổi hội chẩn, các bệnh viện đã đề xuất về nhu cầu máy thở, ECMO, máy lọc thận, quả lọc, thuốc, vật tư tiêu hao…cho nhu cầu điều trị và dự phòng.

Ngay tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cử thêm bác sĩ hồi sức hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, giao Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ đào tạo, kiểm định về xét nghiệm cho các bệnh viện tại Quảng Nam.

Trước đó, 1 ekip gồm các bác sĩ từng điều trị cho bệnh nhân 91 đã từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngay trong chiều nay, Bộ Y tế tiếp tục có quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch Covid-19.

Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM.

Các chuyên gia này sẽ tiếp tục phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị đã được Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25/7.

Toàn bộ lực lượng này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động 800 sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Trước khó khăn trong công tác xét nghiệm, các BV Đà Nẵng, Quảng Nam đã được bố trí 20 máy xét nghiệm. Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng và Huế để các y, bác sĩ đủ trang thiết bị chống dịch Covid-19.

Thúy Hạnh

WHO nói về chủng virus của các ca mắc mới tại Đà Nẵng

WHO nói về chủng virus của các ca mắc mới tại Đà Nẵng

Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, chủng virus corona được phát hiện tại Đà Nẵng tương tự virus lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7 và độc lực của virus không thay đổi.