Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả tích cực. 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, là mức tăng trưởng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 27.221 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Năng suất các loại cây trồng vụ đông xuân tương đương và cao hơn năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng, sản lượng thủy sản tăng khá bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn.

Khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.833 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.075 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm, chiếm 17,2% tổng thu.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 7.681 tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả tích cực. 

Về hoạt động xây dựng: Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh 6 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các công trình trọng điểm của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng: Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (2020 - 2024) có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (2020 - 2023) có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD; Dự án Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022 - 2027) có tổng mức 5.995 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022 - 2025) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (2022 - 2025) tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng…

Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực: Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng, Cụm công nghiệp Yên Bằng, Cụm công nghiệp Thanh Côi đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật, đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Dự án của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tiếp tục được đầu tư xây dựng, thi công.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,7%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. 

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện.

Đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Thanh Minh