Thương hiệu làm nên lịch sử

Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, tổng CTCP Dệt May Nam Định là thương hiệu gắn liền với lịch sử ngành may mặc. Kế thừa truyền thống, bước vào thời kỳ đổi mới, Dệt May Nam Định từng bước thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngành nghề hoạt động, bộ máy quản lý, tổ chức, điều hành sản xuất; cân đối ổn định nguồn tài chính cho sản xuất và đầu tư.

Tổng Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Thành phố Nam Định) với công nghệ hiện đại quy mô 3,12 vạn cọc sợi, công suất 7.000 tấn/năm.

Sau hai năm đi vào hoạt động, đến nay, nhà máy đã bắt đầu có lãi, 95% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha… Bên cạnh thị trường xuất khẩu, sản phẩm của nhà máy cũng đã được các doanh nghiệp dệt may trong nước lựa chọn thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Từ năm 2010 đến nay, Tổng Công ty đã đầu tư 10 Nhà máy may tại địa bàn các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và huyện Bình Lục (Hà Nam) với 49 dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định.

{keywords}
Nhiều tên tuổi doanh nghiệp lớn như may Sông Hồng, May Nam Hà, Dệt Nam Định đã tạo nên thương hiệu cho ngành may của Nam Định cũng như quốc gia.

Một doanh nghiệp cùng ngành khác là Công ty CP may Sông Hồng cũng đã tạo nên thương hiệu cho ngành may mặc Nam Định. Với hơn 30 năm phát triển, Công ty CP may Sông Hồng đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam. May Sông Hồng đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp, đảm bảo các chế độ chính sách và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Nhắc đến may Sông Hồng, người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến các dòng sản phẩm chăn ga gối đệm bằng chất liệu 100% cotton, các dòng sản phẩm trẻ em với các hình ảnh độc quyền của Disney và Hello Kitty và chất liệu an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt lớn với May Sông Hồng khi Công ty chính thức trở thành nhà sản xuất hàng dệt may có giá trị gia tăng cao, với kim ngạch xuất khẩu đơn hàng sản xuất theo phương thức FOB đạt 118 triệu USD, chiếm xấp xỉ 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Năm 2019, May Sông Hồng đặt mục tiêu nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng FOB lên 150 triệu USD.

Công ty CP May Nam Hà với ngành nghề chính là sản xuất quần áo bơi chuyên nghiệp, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ.  Công ty có 18 dây chuyền, trên 800 thiết bị may và nhà xưởng hiện đại, khang trang trên diện tích trên 22.000 m2 với  500 lao động có năng lực kinh nghiệm và tay nghề cao. Hàng năm chúng tôi sản xuất  3,5 -  4 triệu sản phẩm.

Mặt hàng chủ yếu là: Quần áo bơi, áo nỉ và các sản phẩm dệt kim khác có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khách hàng. Sản phẩm của chúng tôi  xuất khẩu sang Mỹ, EU và một số nước khác. Công ty đang thực hiện dự án tiếp tục đầu tư theo chiều sâu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phần đấu đạt sự tăng trưởng 10-20%/năm.

Nhiều ưu đãi đầu tư

Mở rộng quy mô phát triển ngành, Nam Định đầu tư hai khu công nghiệp lớn là Bảo Minh, Hòa Xá thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may quy mô lớn trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 24 cụm công nghiệp cấp huyện được thành lập, trong đó 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 352,5ha đã đi vào hoạt động, cung ứng nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp dệt may đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải có những sự thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, một trong những vấn đề then chốt là các doanh nghiệp cần xây dựng được những thương hiệu dệt may mạnh; đồng thời, có định hướng chiến lược để nâng cao và phát triển các giá trị thương hiệu, tài sản trí tuệ…

Theo ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng, để chuyển từ hoạt động gia công đơn thuần sang phương thức làm hàng FOB, doanh nghiệp phải kiên định với sự thay đổi. Vì Công ty có thể gặp muôn vàn thử thách, do quá trình chuyển đổi có thể kéo dài cả chục năm hoặc lâu hơn. Khó khăn hơn nữa là doanh nghiệp phải lựa chọn được thời điểm thích hợp với doanh nghiệp mình, thời điểm thuận lợi cho thị trường Việt Nam, lựa chọn đúng khách hàng có tiềm năng, có thiện chí và cùng đồng hành để tăng trưởng.

Ông Quang cho biết, trong gần chục năm qua, May Sông Hồng không ngừng tìm kiếm cơ hội bằng cách tiếp cận các kênh bán hàng mới, khách hàng mới trên khắp thế giới. Bên cạnh đó là quyết tâm đầu tư xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp từ phát triển mẫu, mua hàng, quản lý đơn hàng, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống quản trị minh bạch, khoa học và hiện đại “đặt đúng người, đúng chỗ”.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…, đặc điểm thị trường của các nước tham gia hiệp định.

Các ngành chức năng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may chủ động khai thác các cơ hội, thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết cần thực hiện của các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

Như Sỹ