Xây dựng vùng kinh tế động lực tăng trưởng của tỉnh

Tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72km, trải dài qua 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, với 80 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển. 

Mặc dù có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển song những năm trước, vùng ven biển tỉnh Nam Định dường như vẫn chưa có sự phát triển đột phá. Tuy nhiên, từ khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Nam Định đã tập trung quán triệt triển khai, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân các huyện ven biển để đánh thức những tiềm năng, đẩy mạnh phát triển mạnh vùng kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đặt ra về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là, xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh,…

Mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% so với toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/người/năm. Các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cấp đô thị thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Yên Định (huyện Hải Hậu) và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) phấn đấu lên đô thị loại IV; thành lập thị trấn Đại Đồng (huyện Giao Thủy) là đô thị loại V.

Đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển chiếm tỷ trọng trên 45% so với toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng/người/năm. Các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thành lập đô thị Thịnh Long và Rạng Đông là đô thị loại III; thành lập thị trấn Hải Phú, Hải Đông (huyện Hải Hậu), thị trấn Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng) là đô thị loại V; hình thành đô thị Cồn - Văn Lý (huyện Hải Hậu).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch đã định hình rõ nét về không gian và định hướng phát triển, thu hút đầu tư của vùng kinh tế biển của tỉnh.

Theo đó, tỉnh phân vùng kinh tế biển gồm các địa phương: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường. Các địa phương này sẽ tham gia liên kết phát triển 3 hành lang kinh tế động lực chủ đạo. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng 3 vùng kinh tế động lực, trong đó có vùng kinh tế biển. Vùng kinh tế biển sẽ thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Tỉnh Nam Định cũng xác định, tại vùng kinh tế biển theo định hướng không gian mới sẽ rất thuận lợi để phát triển đô thị biển, kinh tế biển với đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản....

đường ven biển Nam Định.jpg
Tuyến đường bộ ven biển dài 65,58 km của tỉnh Nam Định đi qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, sau gần 3 năm khởi công xây dựng đến nay đang dần hiện hữu sẽ tạo cú hích giúp Nam Định đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế khu vực ven biển của tỉnh.

Những cú hích “đánh thức” vùng kinh tế ven biển 

Một trong những điểm nhấn nhằm tạo đột phá trong phát triển theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2050, Nam Định sẽ phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Từ định hình về không gian và định hướng phát triển vùng kinh tế biển, thời gian qua, các sở, ngành và các địa phương thuộc vùng kinh tế biển của tỉnh đã tích cực triển khai hoạt động từ việc lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng; tổ chức hoạt động thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển, bến cảng....

Theo Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha. Và Khu kinh tế Ninh Cơ của Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam.

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tích cực xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ quy mô 13.950ha tại 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng theo định hướng xây dựng, phát triển thành trung tâm kinh tế lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Việc phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ là rất cần thiết, chính vì vậy, tháng 10/2023, Nam Định đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ nhằm tạo cú hích khai thác lợi thế tài nguyên ven biển, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.

Tiếp đó, tuyến đường bộ ven biển dài 65,58 km của tỉnh Nam Định đi qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, sau gần 3 năm khởi công xây dựng đến nay đang dần hiện hữu. Dự án đường bộ ven biển khi hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ mở ra một không gian liên kết giữa các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng, mà còn tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh; là một trong những cú hích thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định.

Để tạo những cú hích “đánh thức” tiềm năng phát triển vùng kinh tế ven biển, thời gian qua, các huyện ven biển đã đẩy mạnh đầu tư hàng loạt công trình, dự án giao thông đường bộ, đường thủy để phục vụ mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, tại 3 huyện có biển đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 22 dự án với tổng vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng và gần 17 triệu USD. 

Đến nay, trong lĩnh vực công nghiệp, các địa phương ven biển của tỉnh hiện đã thu hút gần 900 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; sản xuất nông nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ; sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản không ngừng tăng lên.

Hiện nay, Nam Định có trên 50 vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích 14.010ha, sản lượng thủy sản đạt khoảng 127.054 tấn/năm. Ngoài ra, khu vực ven biển có trên 100 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, trên 80 cơ sở kinh doanh sản xuất và kinh doanh gia công lưới; 13 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ thép và 4 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ phục vụ cho khai thác, nuôi trồng thủy sản, phân bố đều khắp các vùng ven biển. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 tàu thuyền khai thác thủy sản với 5.240 lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển. 

Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đã và đang được các địa phương ven biển của tỉnh Nam Định ưu tiên, khuyến khích phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân phát triển kinh tế.

Với mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn các huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội, và có đóng góp quan trọng để Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước. 

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020 và 2020-2025), Đảng bộ tỉnh Nam Định đều ban hành các Nghị quyết về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía Nam, tạo sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 

Với nhiều lợi thế để phát triển vùng kinh tế ven biển, thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm hiểu, đề xuất, triển khai các dự án trọng điểm, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định. Trong đó, vùng kinh tế ven biển Nam Định đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hằng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.