Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Theo đó, năm 2023 là năm rất thành công của tỉnh Nam Định, một số chỉ tiêu kinh tế tăng cao như: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19% cao nhất từ trước đến nay.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,5%; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 14,3%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu cán mốc đạt 10.000 tỷ đồng để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trước 2 năm.
"Lãnh đạo UBND tỉnh tích cực làm việc trực tiếp với các đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là trong triển khai các dự án trọng điểm, công tác xúc tiến thu hút đầu tư và đôn đốc thu nộp ngân sách.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhất là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp; Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm, trọng điểm và rất thành công, trong đó đã thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước", ông Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Chỉ tiêu là Giá trị hàng xuất khẩu và Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế không đạt kế hoạch đề ra.
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành dệt may, da giày. Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công một số dự án còn chậm như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); các dự án Khu dân cư tập trung, một số dự án ngoài ngân sách;...
Tình hình khiếu nại tố cáo một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, việc giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở chưa thấu đáo, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm.
Ông Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của năm 2023, đặc biệt là chỉ tiêu thu nộp ngân sách nhà nước phải hoàn thành và vượt 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra phải hoàn thành hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Dũng cho biết, năm 2024 khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, dự án đường cao tốc; các dự án đường dây 500kv, các dự án Khu, Cụm công nghiệp (Khu công nghiệp Trung Thành, Cụm công nghiệp Tân Thịnh, Cụm công nghiệp Giao Thiện,....).
Chính vì thế tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan.
UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án và có thời gian cụ thể cho từng bước trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân theo từng nội dung công việc; nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm.