Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định, liên tục 21 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ giúp cho hơn 820 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Nam Định được vay vốn doanh số gần 15 nghìn tỷ đồng.
Riêng quý 1/2024 có đến 7 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo kể cả hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền xấp xỉ 300 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 4.6002 tỷ đồng, tăng 20,3 lần so với cùng kỳ khi thành lập đơn vị (2002). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 16,6%.
Qua 21 năm thực hiện, vốn chính sách đã mang lại hiệu quả nhất định. Nguồn vốn đã giúp cho hơn 90 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2005 - 2010 từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016 - 2020 từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2023 theo chuẩn nghèo mới là 1,32%.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng mô hình tổ chức quản lý phù hợp như hệ thống điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải khắp địa bàn xuống tận các xã, phường, thị trấn và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm, khối phố nên những cán bộ tín dụng chính sách ở Nam Định đã được tiếp thêm nội lực, quyết tâm thực hiện phương thức cấp tín dụng trực tiếp, kịp thời, an toàn về tận các vùng nông thôn hẻo lánh, miền ven biển xa xôi, đến từng đối tượng thụ hưởng.
Cũng nhờ có nguồn vốn chính sách, đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện thuận lợi chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh và đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều gương điển hình sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Để có được hiệu quả từ các chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Định đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời hiệu quả đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua mọi khó khăn, chủ động phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Nam Định xác định vốn tín dụng chính sách tiếp tục là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức sâu sắc điều đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục làm nòng cốt chuyển tải vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng trên toàn địa bàn, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai Chỉ thị 40 CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ vốn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tập trung cho vay các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.
Khánh Vy