Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, 6 tháng năm 2021 chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, tổng đàn lợn dự ước 645 nghìn con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 9.503 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 81 nghìn tấn, tăng 1.706 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Đàn trâu, bò dự ước 36.400 con, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đàn gia cầm dự ước 8,88 triệu con, tăng 6,17%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 15.200 tấn, tăng 409 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo đảm phát triển chăn nuôi của tỉnh an toàn, ổn định.

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh động vật; yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các xã kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2021 tới lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Chi cục Thú y vùng I và các sở, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Trong thời gian tới, tình hình chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ còn nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, các địa phương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có đủ nguồn thực phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần cẩn trọng với dịch lở mồm long móng. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận nhiều tỉnh, thành xuất hiện dịch bệnh này.

Đây là dịch bệnh nguy hiểm, vì vậy, các cơ sở chăn nuôi gia súc càng đề cao cảnh giác, thận trọng khi nhập giống mới về nuôi. Lợn mới đảm bảo được cách ly, tiêm vắc-xin đầy đủ mới cho nhập chuồng.

Sắp tới, mùa thu-đông là điều kiện lý tưởng cho virus bệnh này phát tán, sinh trưởng. Vì vậy, các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh máng ăn, khử khuẩn hố thải, dọn dẹp cơ giới xung quanh chuồng. Thức ăn kê cao, đặt chỗ khô ráo, sạch sẽ, thoáng khí. Ngoài ra, bổ sung thêm kháng sinh tự nhiên từ nghệ, tỏi, cho vật nuôi khỏe mạnh.

Ngành chuyên môn cũng phấn đấu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 121/KH-UBND về phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của kế hoạch là kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus gây bệnh từ bên ngoài; xây dựng thành công các cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện hoặc liên huyện, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể là: Số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10-20% so với trung bình cả giai đoạn 2016-2020; xây dựng thành công và duy trì ít nhất 50 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng; xây dựng thành công ít nhất 1 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện hoặc liên huyện đối với bệnh lở mồm long móng.

Minh Phúc