Toàn tỉnh Nam Định hiện có 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, trong đó có 220 cơ sở dịch vụ ăn uống.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tranh thủ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. 

Ngành du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong tình hình mới. 

Với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách, ngành du lịch tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế để tạo sức hấp dẫn đối với du khách và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch. 

Cụ thể, ngành du lịch Nam Định đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch qua các ấn phẩm, tập san như cẩm nang “Văn hóa - Du lịch Nam Định”, tập bản đồ “Du lịch Nam Định” với những thông tin, hình ảnh về các điểm đến du lịch. Trong đó có các khu di tích, danh thắng, lễ hội, làng nghề, đặc sản ẩm thực, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch… phản ánh nét đẹp về con người, bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định.

Cùng với đó, ngành du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong tình hình mới. 

Một trong những giải pháp dài hơi mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh là ngành du lịch đã xây dựng Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược “Tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với 9 giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung phát huy thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan di tích, tham dự lễ hội tại các điểm du lịch gồm Quần thể di tích văn hóa thời Trần gắn với lễ hội Đền Trần; Quần thể di tích Phủ Dầy gắn với lễ hội Phủ Dầy kết hợp với một số di tích, lễ hội tiêu biểu: Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Lương, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh... và các nhà thờ Thiên Chúa giáo trên địa bàn tỉnh. 

Nâng cao chất lượng du lịch sinh thái tại các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Quất Lâm, Thịnh Long; hình thành khu du lịch chất lượng cao Rạng Đông; phát huy tối đa tiềm năng điểm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy và các vùng đất ngập mặn tại huyện Nghĩa Hưng (thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng) nhằm thu hút khách du lịch đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao ở trong nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... 

Mở rộng khả năng kết nối, liên kết giữa các khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển với các điểm tham quan di tích, danh thắng, làng nghề, các điểm du lịch khác trong vùng nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Xây dựng các điểm du lịch làng nghề: chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng, sơn mài (Ý Yên), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh), các làng nghề làm muối ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Kết hợp giữa việc tham quan trải nghiệm nghề truyền thống và mua sắm tiêu thụ sản phẩm làng nghề, tạo các điểm du lịch vệ tinh cho khu vực thành phố Nam Định. Xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù mang sắc thái của vùng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến với du khách. Quảng bá thương hiệu các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương như: phở bò, kẹo sìu châu Nam Định, nem nắm Giao Thủy, bánh nhãn, gạo tám Hải Hậu... 

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ cho du khách khi đến Nam Định. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát văn, múa rối nước...) vào phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Đặc biệt, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh cũng đã bước đầu triển khai hiệu quả Dự án "Du lịch thông minh - gắn QR-Code tại các điểm du lịch".

Có thể nói, với định hướng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch rõ ràng, quyết liệt cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thì tỉnh Nam Định hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách.

Duy Khánh, Vân Anh, Thu Hoài