Tỉnh Nam Định định hướng đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.

Thực hiện định hướng này, tỉnh Nam Định tập trung điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch các ngành có liên quan và quy hoạch vùng huyện để hình thành rõ nét định hướng phát triển công nghiệp ở từng vùng trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế.

Đánh giá về mức tăng trưởng Chỉ số sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nam Định ghi nhận phục hồi tốt. 

Ảnh màn hình 2024 07 07 lúc 09.37.48.png

Khu công nghiệp Mỹ Thuận Nam Định - Nơi hội tụ của những nhà đầu tư công nghệ cao.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khởi sắc hơn so với quý I/2024 với 87,05% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định; 12,95% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. 

Dự báo quý III/2024 khả quan hơn quý II/2024 với 88,49% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 11,51% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Như vậy, có thể thấy bức tranh công nghiệp quý III/2024 có thể sẽ tốt hơn so với 2 quý đầu năm. 

Bức tranh sản xuất công nghiệp của Nam Định nửa đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng song về dài hạn, các cực tăng trưởng của tỉnh có thể có sự đảo chiều. Thành phố Nam Định không còn dư địa tăng trưởng và có thể mất dần vị trí vào một số huyện khác như Giao Thuỷ với Khu công nghiệp Hải Long đang được xúc tiến triển khai.

Đặc biệt, nhằm mở rộng dư địa cho phát triển công nghiệp, từ năm 2021 Tỉnh uỷ Nam Định đã chủ trương không thu hút dự án đầu tư dệt may, da giày trừ ở vùng sâu vùng xa. Nhìn vào các dự án được cấp phép những năm gần đây có thể thấy Nam Định rất quyết liệt thực hiện chủ trương này.

Năm 2023, UBND tỉnh Nam Định ký kết thỏa thuận phát triển Dự án sản xuất máy tính công nghệ cao tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với đại diện Tập đoàn Quanta của Đài Loan (Trung Quốc), với tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 120 triệu USD.

Hay trung tuần tháng 6/2024, Nam Định đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty cổ phần Giấy GĐT tại Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.560 tỷ đồng (trên 100 triệu USD) với tổng công suất dự kiến đạt 300 nghìn tấn giấy bao bì chất lượng cao/năm.

Với chủ trương đúng đắn, Nam Định đã và đang quyết tâm xúc tiến đầu tư, chọn lọc dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn nhằm mở rộng dư địa cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Hướng đến mục tiêu chú trọng phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP của tỉnh Nam Định chiếm trên 50%.