- TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng, sử dụng bản dịch của Lê Thước và Nam Trân trong Thơ văn Lý Trần là không sai. 

Tuy nhiên, sách giáo khoa Ngữ văn - Lớp 7, tập 1 hiện tại đã dẫn văn bản không chính xác với "Thơ văn Lý - Trần", cho dù dẫn văn có nguồn từ thơ văn Lý - Trần. Dẫn theo mà không chính xác, rõ ràng là cái sai của tập thể biên soạn sách Ngữ văn – Lớp 7 tập 1.

Liên quan đến bản dịch "Sông núi nước Nam" được in trong SGK Ngữ văn lớp 7  - Tập 1 của NXB Giáo dục Việt Nam trích theo bản dịch của Lê Thước - Nam Trân, theo TS Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhiều năm nay đã có những nghiên cứu về vấn đề này.

Chiều 9/11, TS Tuấn đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.

{keywords}
TS Phạm Văn Tuấn

Băn khoăn của dư luận về bản dịch của Lê Thước - Nam Trân có cơ sở gì không, thưa ông?

TS Phạm Văn Tuấn: Tác giả nguyên tác bài thơ “Nam quốc sơn hà” không phải là Lý Thường Kiệt.

Những nhà nghiên cứu đầu ngành Hán Nôm như PGS Bùi Duy Tân, PSG Nguyễn Thị Oanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), GS Nguyễn Khắc Phi và nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã nhiều lần khẳng định, bài thơ này không phải của Lý Thường Kiệt. Tác phẩm này chỉ được đưa vào chính sử khi nhà Lê cho biên soạn “Đại Việt Sử ký Toàn thư”. Còn PGS Bùi Duy Tân cho rằng, đây là một bài thơ Thần - vô danh.

Đến nay có tới 35 dị bản bằng tiếng Hán về bài thơ này, vì thế, có nhiều bản dịch cũng là chuyện bình thường.

Chưa kể, nếu chiếu theo nguyên tác bài thơ chữ Hán được đăng tải trong văn bản cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” (sách đã dẫn, trờ 83): “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" thì bản dịch của Lê Thước -Nam Trân là không sai.

Băn khoăn trên là không có cơ sở. Chưa kể, dịch thuật luôn mang tính chất tương đối.

Trên thực tế, đến nay bản dịch quen thuộc của bài “Nam quốc sơn hà” dưới đây, chưa biết do ai dịch:

"Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

{keywords}
Bản dịch trong thơ văn lý trần tập 1, ncb khxh, hn 1977, trang 322

Bản dịch in trong SGK được cho là không quen tai, khó nhớ so với bản dịch trước đây. Cá nhân ông suy nghĩ sao về ý kiến này?

Bản thân tôi thích bản dịch đã được phổ biến hơn. Lý do, bản dịch đó về nhịp điệu thơ hay hơn, dễ đi vào lòng người và quan trọng nó đã trở thành tiềm thức của bản thân. 

Song điều đó không đủ lý lẽ thể khẳng định, bản dịch của các cụ Lê Thước và Nam Trân là không hay.

Có thể bản dịch trước đã đi vào tiềm thức của nhiều người Việt nên cùng với truyền thông sự việc đã trở nên nóng hơn.

Tuy nhiên hiện nay, người trẻ có nhiều phương thức tiếp cận tri thức. Nếu họ không thích bản dịch của bài thơ trên thì ta còn nhiều kênh thông tin để tiếp cận với những bản dịch khác. Các nhà khoa học, nhà báo hay thầy cô cũng có thể bổ sung sau.

Và sự tiếp cận đa phương bao giờ cũng tốt và ít tính thụ động hơn.

Thơ văn thời Lý Trần có rất nhiều bản dịch. Vậy bản nào là bản chuẩn. Cho nên "chuẩn" ở đây là khái niệm không chính xác. Nên có những tiêu bản gợi mở để học sinh tiếp cận. Các thầy làm SGK đã trích ra một bản của những học giả có uy tín- coi đó như một tiêu bản để học sinh tham khảo là chính xác.

Đối với những người lớn, đã có cơ hội tiếp xúc với bản dịch phổ biến trước đây cũng không nên vì thế mà bức xúc, không nên áp đặt tiềm thức của mình lên tiềm thức của con trẻ. Một thời gian sau tiềm thức các em nói về bài thơ trong SGK này thì sao?

Bản dẫn của Ngữ văn lớp 7 tập 1 sai!

Như tôi đã nói, văn bản của cụ Lê Thước không hề sai, tuy nhiên Ngữ văn lớp 7 tập 1 khi dẫn lại đã không dẫn đúng so với phần dịch trong Thơ văn Lý Trần (Tập 1, trang 322, nxb KHXH, HN 1977). 

Như thế, dù rằng, không câu nệ bản dịch mới hay cũ, miễn là dịch đúng hoặc dẫn đúng. Ở đây Ngữ văn lớp 7, tập 1 đã dẫn không đúng bản dịch của cụ Lê Thước và Nam Trân. Đây là việc làm sai!

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung