Nam sinh được giáo viên và bạn học băng bó tạm thời trước khi đưa vào Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) ngày 11/12. Tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, bác sĩ nhiều chuyên khoa nhanh chóng có mặt, thám sát vết thương và nhận định bệnh nhân bị thủng mạch máu lớn vùng cổ, tiếp tục chảy máu, tiên lượng nguy kịch.
Kết quả cận lâm sàng, thăm khám cho thấy bệnh nhân bị thủng động mạch đốt sống, gãy mỏm ngang đốt sống cổ bên phải có mảnh rời...
Nam sinh được đặt nội khí quản và an thần thở máy chủ động bảo vệ đường thở khỏi sự chèn ép của khối máu tụ lớn. Đồng thời, bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng can thiệp mạch xử lý chỗ thủng động mạch đốt sống bằng phương pháp can thiệp nội mạch.
Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, trưởng ê-kíp can thiệp, cho biết động mạch đốt sống nếu xảy ra biến cố sẽ có nguy cơ đe dọa tính mạng do nguồn cung cấp máu lên thân não bị gián đoạn.
Chấn thương động mạch đốt sống là dạng sang thương hiếm gặp bởi ở đoạn cổ (trừ đoạn V1), động mạch được bao bọc bởi mỏm ngang các đốt sống cổ là các cấu trúc xương cứng trong khi ở đoạn trong sọ, hộp sọ là cấu trúc vững chãi che chắn cho động mạch.
Tại Mỹ, thống kê của Ngân hàng Dữ liệu Chấn thương Quốc gia trong 2 năm 2016-2017 cho thấy chấn thương động mạch đốt sống chỉ chiếm tỉ lệ không đến 1%. Đáng lưu ý chỉ 9% trong số này là thủng động mạch do vết thương xuyên thấu (bởi dao, kéo, mảnh thuỷ tinh, hoả khí…) như trường hợp nam sinh trên đây.
"Đây là trường hợp hiếm gặp. Chúng tôi chưa gặp tình huống tương tự, y văn trong nước hầu như chưa tìm thấy tư liệu", bác sĩ Khoa cho biết.
Cũng theo bác sĩ Khoa, phẫu thuật xử lý động mạch đốt sống đang chảy máu được xem là một trong những loại phẫu thuật phức tạp và thử thách nhất, kể cả với người giàu kinh nghiệm, đặc biệt khi vị trí thủng ở cao như trường hợp này.
Quá trình bóc tách nhiều cấu trúc giải phẫu học quan trọng về mạch máu, thần kinh, cơ ở vùng cổ, cắt mỏm ngang các đốt sống cổ luôn tiềm ẩn rủi ro xảy ra các tai biến nghiêm trọng, thậm chí đe doạ tính mạng, trong và sau phẫu thuật.
Trong khi đó, can thiệp nội mạch qua da luồn dụng cụ trong lòng mạch máu đến vị trí động mạch đốt sống bị thủng, xử lý chỗ thủng bằng các vật liệu phù hợp (coil, bóng, keo, stent…) là kỹ thuật có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật.
Sau khi được can thiệp xử lý thành công động mạch đốt sống bị thủng, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ nhiều chuyên khoa theo dõi, thám sát kỹ lưỡng, xử lý hiệu quả các chấn thương kết hợp (vết thương da, cơ, mạch máu nhỏ vùng cổ, gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2, sang chấn tâm lý…).
Vài giờ đồng hồ sau can thiệp, bệnh nhân được giải mê và rút ống nội khí quản. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện.