Truyền thông Trung Quốc xôn xao về một nam sinh 18 tuổi đỗ thủ khoa 3 học viện nghệ thuật nổi tiếng. Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm thi môn Biểu diễn nghệ thuật, danh tính thủ khoa nhanh chóng được tiết lộ. Theo đó, thủ khoa kỳ thi nghệ thuật năm 2023 là Dư Gia Thành 18 tuổi.

Nam sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc chuyên ngành Biểu diễn ở Học viện Hý kịch Trung ương, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Học viện Hý kịch Thượng Hải. Ngoài ra, Dư Gia Thành còn xếp thứ hai chuyên ngành Nhạc kịch tại Học viện Múa Bắc Kinh.

Dư Gia Thành 18 tuổi thủ khoa 3 học viện nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Lần đầu tiên trong lịch sử có một thí sinh thủ khoa chuyên ngành Biểu diễn tại 3 học viện nghệ thuật danh giá bậc nhất Trung Quốc. Sau khi tham dự kỳ thi nghệ thuật, Dư Gia Thành sẽ tiếp tục thi các môn văn hóa vào tháng 6. Hiện tại, nam sinh vẫn chưa đưa ra quyết định theo học tại ngôi trường nào.

Ngay sau khi thông tin Dư Gia Thành là thủ khoa phủ khắp các mặt báo và mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người đặt cho nam sinh biệt danh "nam thần kỳ thi nghệ thuật thời đại mới". Thậm chí, có người còn đưa ra dự đoán có khả năng trong tương lai, nam sinh sẽ là thần tượng của thế hệ trẻ.

Nam sinh học múa, piano từ bé, được giáo viên dạy nhận xét có năng khiếu nghệ thuật.

Câu chuyện chàng trai 18 tuổi thủ khoa kỳ thi nghệ thuật tại 3 học viện danh tiếng ở Trung Quốc đã mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều luồng ý kiến. 

Sinh viên bình thường có nên theo đuổi nghệ thuật không?

Trên thực tế, phần lớn sinh viên hiện nay mong muốn được theo đuổi nghệ thuật. Nhưng chỉ một bộ phận sinh viên hứng thú, có năng khiếu thực sự, điều kiện và khả năng học hỏi.

Còn lại sinh viên sẽ có xu hướng muốn học nghệ thuật do thần tượng các ngôi sao hoặc ảnh hưởng tư tưởng của bạn bè. Có người cảm thấy không cần thiết học văn hóa nên đã lựa chọn học nghệ thuật một cách mù quáng. 

Học nghệ thuật không đơn giản, sinh viên theo đuổi ngành này ngoài việc hoàn thiện các môn học, cần có sự kiên trì, chăm chỉ và năng khiếu. Nhiều sinh viên ở Trung Quốc học nghệ thuật ra trường không tìm được việc làm phù hợp hoặc do áp lực cuộc sống nên họ chọn cách từ bỏ.

Hơn nữa, học nghệ thuật là một quá trình tốn kém, gia đình phải có điều kiện. Nếu không sinh viên khó có thể thực hiện được đam mê của bản thân. 

Từ những vấn đề trên, nhiều người cho rằng, sinh viên muốn theo đuổi con đường nghệ thuật nên suy nghĩ kỹ, không mù quáng chạy theo xu hướng, nghe theo tác động của những người xung quanh. 

Sinh viên mong muốn theo đuổi nghệ thuật phải có yếu tố gì?

Một số người cho rằng, những sinh viên theo đuổi nghệ thuật có ngoại hình đẹp, gương mặt xinh sẽ được ưu ái. Nhưng thực tế, kỳ thi nghệ thuật ở Trung Quốc công bằng với các thí sinh; ngoại hình không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định việc trúng tuyển.

Hầu hết sinh viên các trường này luôn phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Dù là sinh viên hay sau khi tốt nghiệp hoặc trở thành người nổi tiếng, họ vẫn ý thức việc phải luôn cố gắng.

Nhiều sinh viên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhận thức rõ ngoại hình chỉ là yếu tố bên ngoài, người nghệ sĩ hay một ngôi sao muốn chinh phục khán giả phải có thực lực.

Do đó, thay vì chỉ chăm chút vẻ bề ngoài, sinh viên muốn theo đuổi nghệ thuật phải chú tâm đến hoàn thiện các kỹ năng của bản thân. Câu nói "bình hoa di động" sẽ phụ thuộc lớn vào việc học hỏi, mức độ thay đổi và sự cố gắng của những người theo đuổi nghệ thuật. 

An An (Theo Sohu, 163)

Chàng trai từng cọ toilet thuê đỗ ĐH Harvard giờ ra sao?

Chàng trai từng cọ toilet thuê đỗ ĐH Harvard giờ ra sao?

Mỹ - Shannon Satonori Lytle là một cái tên gây chú ý trong những năm gần đây, không chỉ vì những thành tựu ấn tượng của anh trong ngành công nghệ mà còn vì câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng về nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.