Ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra nhưng ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn đồ hâm lại không phổ biến nhưng là lời cảnh báo với rất nhiều gia đình.
Tạp chí Clinical Microbiology đã nhắc đến trường hợp ngộ độc thực phẩm của nam thanh niên 20 tuổi ở Brussell (Bỉ), tử vong sau khi ăn mỳ Ý hâm lại.
Theo đó, nam thanh niên này đã ăn phần còn thừa của suất mì Ý bảo quản trong bếp ở nhiệt độ phòng sau 5 ngày. Do không thấy dấu hiệu ôi thiu, nam thanh niên đã hâm lại phần thức ăn này bằng lò vi sóng trước khi ăn.
Các chuyên gia nhận định, mỳ Ý để quá lâu khiến vi khuẩn Bacillus Cereus phát triển quá mức, tạo ra lượng độc tố lớn là nguyên nhân gây tử vong |
Sau ăn, nam thanh niên vẫn đi chơi thể thao nhưng sau 30 phút phải về nhà do đau đầu, đau bụng và buồn nôn.
Trong đêm đó, nam thanh niên nôn dữ dội trong vài giờ liên tiếp và bị tiêu chảy 2 lần. Nghĩ ngộ độc thực phẩm thông thường, nam thanh niên chỉ uống nước rồi đi ngủ. Đến 11h trưa hôm sau, khi cha mẹ gõ phòng con trai không thấy động tĩnh, liền đập cửa xông vào, phát hiện con trai đã tử vong.
Giám định pháp y cho thấy, giờ tử vong vào khoảng 4h sáng, 10 tiếng sau khi ăn mỳ Ý. Nguyên nhân tử vong do hoại tử gan và viêm tụy cấp.
Vi khuẩn Bacillus Cereus đã được tìm thấy trong mẫu mỳ nhưng không có trong mẫu nước sốt cà chua. Đáng chú ý, lượng khuẩn tìm được lên tới 14,8 ug/g mỳ, cao gấp gần 10 lần lượng khuẩn trong mỳ bẩn của một nghiên cứu trước đó.
Bacillus Cereus là vi khuẩn thường gặp sau khi để thức ăn vài giờ ở nhiệt độ phòng, là nguyên nhân chủ yếu trong các ca ngộ độc thực phẩm.
Độc tố của chúng gây triệu chứng điển hình gồm nôn mửa và tiêu chảy. Đây là vi khuẩn bền nhiệt, vẫn sống sót khi hâm lại thức ăn dưới 100 độ C. Thậm chí sau khi được nấu chín, vi khuẩn vẫn có thể phát sinh nếu lưu trữ thức ăn ở nhiệt độ từ 10-50 độ C.
Đến nay, các tạp chí y khoa đã ghi nhận 4 ca tử vong do nhiễm vi khuẩn Bacillus Cereus.
Trong dịp Tết và những ngày sau Tết, hầu hết các gia đình Việt đều tích trữ rất nhiều thức ăn. Do đó, người dân cần bảo quản đồ ăn cẩn thận, không nên tích trữ quá lâu, đề phòng ôi thiu, nấm mốc.
Khi có dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa (thường xảy ra rất sớm sau khi ăn thức ăn nhiễm độc), cần đến ngay trung tâm y tế để khám và điều trị, tránh các trường hợp đáng tiếc. Người dân tuyệt đối không tự ý uống các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu can thiệp y tế kịp thời, tỉ lệ cứu sống các ca ngộ độc thực phẩm thường rất cao.
Minh Anh (Theo Clinical Microbiology)
6 loại thực phẩm dù ngon mấy cũng không được hâm lại vì rất độc
Có một số thực phẩm thừa dù ngon đến mấy nhưng lại tuyệt đối không được quay bằng lò vi sóng. Bởi chúng không những mất chất dinh dưỡng mà còn gây nhiều tác hại cho sức khỏe.