“Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức được xuất bản”, thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017.

Sáng 30/8 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017.

Chỉ đạo và điều hành Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo; cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc và Tổng Biên tập của 60 nhà xuất bản, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành của Văn phòng Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an...

{keywords}

Hội nghị đã tập trung đánh giá nội dung xuất bản phẩm và công tác quản lý nhà nước về xuất bản trong 6 tháng đầu năm 2017.

Thống kê cho thấy, sau 6 tháng các nhà xuất bản đã xuất bản 38.568 tên sách (tăng 6,5% về số lượng so với cùng kỳ năm 2016) và nộp lưu chiểu 214,179 triệu bản (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016). Về nội dung xuất bản phẩm, các nhà xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức được xuất bản, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả các loại sách, từ lý luận chính trị, văn hóa - văn học, giáo dục - dạy nghề, khoa học - công nghệ đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Nguyễn Văn Hùng, trong 6 tháng đầu năm 2017, các nhà xuất bản đã chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương, lựa chọn đề tài, tổ chức xuất bản nhiều đầu sách, tài liệu phục vụ việc triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4, Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) và Chỉ thị của 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị cho cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Dòng sách văn học chiến tranh cách mạng cũng có nhiều khởi sắc. 

“Nhiều tác phẩm mới với điểm nhìn, cách phản ánh chân thực và sinh động, nhân văn đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa thiêng liêng, không gì có thể phủ nhận của cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập và tự do dân tộc, tô đẹp hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Một vài dấu hiệu tích cực được nêu ra, bao gồm sự trở lại của dòng sách chiến tranh cách mạng với sự nở rộ tiểu thuyết, hồi ký, bút ký chiến tranh như: “Trái tim người lính”, “Tình không biên giới”, “Mùa chinh chiến ấy”, “Trong ngôi nhà của mẹ”; “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75”... Mảng sách dành cho thiếu nhi tiếp tục được NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ... đầu tư nguồn lực, cho ra mắt nhiều bộ sách hay và giá trị như: tái bản bộ sách viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng, bộ truyện tranh chuyển thể từ danh tác trong nước như “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng qua ngành xuất bản vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Sách sai phạm tuy có giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn gần 100 đầu sách bị xử lý dưới các hình thức khác nhau. Vẫn xuất hiện sách có nội dung chính trị, tư tưởng không phù hợp, vi phạm quy định về thuần phong, mỹ tục, vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, một số hiện tượng mới đã xuất hiện trong thời gian gần dây, tiềm ẩn không ít vấn đề đáng lo ngại như việc phát triển mạnh loại hình tiểu thuyết ngôn tình, các loại sách sử, văn học sử đi theo lối xét lại lịch sử...

Trong thời gian tới, có một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành cần quan tâm triển khai thực hiện, gồm: Bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến cuối năm, tập trung nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phải quản lý chặt chẽ hơn nữa qui trình liên kết; kiên quyết nói không với tình trạng “bán giấy phép”; chú ý hơn vào các dòng sách, mảng sách quan trọng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

T.Lê