Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đưa tỉnh Bến Tre trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản, du lịch và từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển.
Theo kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Bến Tre, tỉnh sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản phẩm trên 1ha thủy sản đạt 450 triệu đồng, diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000ha, sản lượng đạt 136 ngàn tấn.
Bến Tre có bờ biển dài 65km, với diện tích nuôi thủy sản tiềm năng hơn 50.000ha, vì vậy, thủy sản được xem là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đột phá ngành kinh tế biển hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hiệu quả và bền vững thì việc nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ sản là tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh từ đó hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì và phát triển khá ổn định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, năm 2023, diện tích nuôi thủy sản ước đạt là 47.818ha; tổng sản lượng nuôi ước đạt 336.281 tấn. Trong đó, các đối tượng chủ lực gồm tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá tra thâm canh… chiếm trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Đồng thời, còn chú trọng phát triển một số đối tượng nuôi khác. Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh, nuôi tôm nước lợ chiếm khoảng 76%; năng suất nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh ngày càng được nâng cao như tôm chân trắng đạt từ 12 - 15 tấn/ha, tôm sú từ 6 - 8 tấn/ha; quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt 250kg/ha.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh sẽ hướng đến tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, phấn đấu đến năm 2030, diện tích vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 5.100ha, 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung các giải pháp như: tổ chức lại sản xuất; nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng khoa học – công nghệ vào quy trình nuôi đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký nuôi để cấp mã nhận diện phục vụ truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho chế biến xuất khẩu; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả, năm 2018, toàn tỉnh mới có 550ha thì đến cuối năm 2023, diện tích toàn tỉnh ước đạt 3.067ha. Năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao, được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Năm 2023, sản lượng nuôi tôm công nghệ cao ước đạt 49.072 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Bên cạnh nuôi trồng thuỷ sản, nghề khai thác thủy sản của Bến Tre cũng phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 3.434 tàu cá đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 55%, sản lượng khai thác hằng năm trên 210.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, tại các huyện có biển đã duy trì 160 tổ hợp tác, 1.085 hộ, 2.065 tàu và 15.344 thuyền viên. Việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển mang lại hiệu quả khá tích cực. Tàu vừa luân phiên khai thác, thăm dò ngư trường đồng thời vừa phối hợp với các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự trên biển.
Để quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, tỉnh cũng đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động và hành trình của các tàu thuyền trên biển, nhất là kiên quyết với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) .
Một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển bền vững ngành thuỷ sản đó là phát triển hậu cần nghề cá. Thời gian qua, cơ sở hậu cần nghề cá của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề khai thác thủy sản với 3 cảng cá, 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 4 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ công suất đóng mới 160 tàu/năm. Các cảng cá được tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đến nay, tỉnh đã chủ trương đầu tư mở rộng cảng cá Bình Đại, với cầu tàu 600CV, mức đầu tư 100 tỷ đồng; tiếp nhận bàn giao dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri, với cầu tàu 1000CV, tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng. Về cơ bản đủ điều kiện để đảm bảo lượng tàu của tỉnh về cập bến lên hàng nếu như có doanh nghiệp đầu tư dịch vụ hậu cần đầy đủ.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản nhất là chế biến tôm biển, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm. Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt khoảng 2.500 triệu USD.