Chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII đã chỉ rõ nhiệm vụ về công tác bảo vệ và phát triển rừng là: “Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển”.
Trước thực trạng suy giảm và nguyên nhân suy giảm rừng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể Nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng, qua đó, làm cho cộng đồng cư dân và cá nhân ý thức rõ tầm quan trọng của rừng và tài nguyên đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, với sự bền vững của môi trường sinh thái, về những tác hại do mất rừng, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn và phát triển rừng đối với phát triển an toàn và bền vững. Chú trọng tuyên truyền phổ biến tri thức về vai trò quan trọng của rừng, luật pháp về bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm với rừng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng bằng việc kịp thời kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, tính khả thi của pháp luật. Thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hợp lý. Cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay còn thấp, nên chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp tục rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.
Tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống nhân dân gắn với các mô hình sinh kế bền vững, tránh sự lệ thuộc của người dân vào việc duy trì nguồn sống từ tài nguyên rừng.
Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao nhận thức phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững đối với lãnh đạo quản lý và cộng đồng dân cư gắn bó với rừng.
Quan điểm rừng là tài sản quốc gia, nhưng rừng cũng là của Nhân dân, Nhân dân phải là chủ thể chính trong bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Phải thực hiện quyết tâm đưa dân về với rừng, và rừng về với dân.
Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương các tỉnh có rừng. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Làm tốt công tác vận động quần chúng, phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm hại rừng.
Đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương đối với các vụ phá rừng, cháy rừng do con người gây ra, mất rừng do xâm hại thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; hoặc thiếu sự giám sát để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thu Hằng HP, Hà Sơn, Xuân An