Theo ThS. Thành, xác định trọng tâm của phát sinh ô nhiễm trong chế biến thủy sản là vấn đề nước thải, nhiệm vụ đã tập trung điều tra và xác định được tỷ lệ các cơ sở chế biến thủy sản có hệ thống xử lý nước thải đến nay còn rất thấp so với yêu cầu. 

Nhằm hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp về công nghệ xử lý nước thải, nhiệm vụ đã tiến hành khảo sát hiệu quả xử lý các thành phần ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản bằng một số mô hình thực nghiệm: mô hình làm thoáng sơ bộ, mô hình đông tụ sinh học, mô hình keo tụ bằng hóa chất (phèn nhôm), Mô hình sinh học bùn hoạt tính (aeroten), mô hình sinh học dính bám (lọc sinh học), mô hình sinh học từng mẻ (SBR). 

Nhiệm vụ đã hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến thủy sản ở Nam trung bộ và Nam bộ. Các giải pháp về quản lý và công nghệ được áp dụng đã tiết kiệm lượng điện tiêu thụ từ 13,71% đến 48,09%; lượng nước tiêu thụ từ 3,1% đến 58,62% và tải lượng ô nhiễm trong nước thải của các nhà máy. Áp dụng sản xuất sạch hơn đã góp phần làm thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và môi trường và thay đổi những thói quen làm việc kém hiệu quả của công nhân. 

Quy mô đánh giá tại cơ sở thế biến thủy sản vừa và nhỏ: Khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường tại cơ sở chế biến sứa trong mùa chế biến chính. Phương pháp nghiên cứu và triển khai thực nghiệm: Tổng hợp thông tin, số liệu nghiên cứu về chế biến sứa ở trong và ngoài nước; đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường: thực hiện điều tra, phỏng vấn, khảo sát, thu mẫu.

bai 1 thieu.jpg
Nhiệm vụ đã khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường tại cơ sở chế biến sứa trong mùa chế biến chính. 

Báo cáo đã chỉ rõ những trở ngại chính trong chế biến như mùa vụ ngắn, không ổn định về sản lượng nên dẫn tới sự bấp bênh cho các ngư dân cũng như cơ sở chế biến; công nghệ chế biến ở các cơ sở chủ yếu dựa vào kỹ thuật sơ chế mang tính truyền thống, gia công nên sản phẩm không đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với hầu hết cơ sở chế biến sứa hiện nay còn đang bỏ ngỏ. 

Báo cáo chỉ rõ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất: Nước thải phát sinh chủ yếu trong quá trình quay nhớt, vệ sinh nhà xưởng và sinh hoạt, trung bình khoảng 2 lít/đầu sứa… trung bình 11m3/ngày/cơ sở; Chất thải rắn tại khu sản xuất chủ yếu là phần dư thừa của các thùng gỗ chứa, dây buộc, túi ni lông, thùng cát tông, các phụ phẩm từ chế biến nấu ăn hàng ngày… trung bình khoảng 10 - 40kg/ngày/cơ sở. Hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn đã được xử lý cơ bản... 

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các ý kiến đề xuất như thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Đề án chế biến thủy sản, Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Bên cạnh đó là định kỳ đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đánh giá nguồn và lượng thải trong chế biến thủy sản; Nghiên cứu tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ các phế phụ phẩm chế biến thủy sản.

Báo cáo cũng đề xuất xây dựng, hướng dẫn và nhân rộng thực hiện các giải pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các làng nghề chế biến thủy sản, cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, an toàn thực phẩm; Nghiên cứu xây dựng, áp dụng và hỗ trợ cơ sở chế biến thủy sản giảm thiểu nguồn thải, những công nghệ xử lý tiên tiến, tăng hiệu quả xử lý, giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV