Chi Lăng là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%. Thời gian qua, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện chú trọng đến công tác nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho bà con.
UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng công an thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp xây dựng các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin tình hình tội phạm đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của UBND huyện Chi Lăng, huyện đã tổ chức trên 167 cuộc tuyên truyền về thủ đoạn của các loại tội phạm đến hơn 10.870 lượt người nghe, tuyên truyền 725 lượt qua hệ thống loa phát thanh tại cơ sở. Tổ chức cho 10.021 lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh và 10.561 hộ gia đình tại 20/20 xã, thị trấn ký cam kết không vi phạm các quy định về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Tổ chức phát động tập trung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Thượng Cường và Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ. Thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy đối với xã Vạn Linh; chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tệ nạn xã hội đối với thị trấn Đồng Mỏ.
Duy trì hoạt động 42 mô hình tự quản về an ninh trật tự để nâng cao kiến thức pháp luật cho bà con như: Tổ nhân dân tự quản; Tổ an ninh tự quản; Hội hiếu tự quản; Khu dân cư tự quản; Dòng họ tự quản; Đội dân phòng; Mô hình Liên kết đảm bảo an ninh trật tự giữa công an, nhà trường và khu dân cư; Zalo an ninh; Tổ an ninh xanh; Tổ tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy; Tổ tự quản về an toàn điểm giao cắt đương bộ với đường sắt; Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy; Mô hình An ninh trường học xứ Lạng…, 159 Tổ hòa giải, Tổ an ninh nhân dân ở cơ sở với 1.017 thành viên; 110 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thành lập 21 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình...
Qua việc xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã góp phần huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm…
Một trong những kết quả quan trọng trong hoạt động phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong tố giác và vây bắt tội phạm được nâng lên rõ rệt.
Khi kiến thức pháp luật đã nâng lên, người dân rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực tham gia đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng được thế trận an ninh nhân dân liên hoàn, vững chắc. Đây là nền tảng quan trọng giữ vững, ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của lực lượng công an, Phòng Tư pháp huyện Chi Lăng đẩy mạnh việc trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người dân tọc thiểu số và miền núi tại 8 xã đặc biệt khó khăn gồm: Vân An, Chiến Thắng, Hữu Kiên, Bằng Hữu, Liên Sơn, Lâm Sơn, Bắc Thủy, Vân Thủy.
Tham gia hội nghị tập huấn, bí thư chi bộ, trưởng thôn và lãnh đạo các đoàn thể thôn, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Năm 2023, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật đã có nhều kết quả tích cực. Hiện nay, huyện Chi Lăng có 36 báo cáo viên pháp luật; số tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở là 306 người và 1079 hòa giải viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, hội viên các hội đoàn thể chính trị xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan phòng, ban tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan, cán bộ và nhân dân đang có hiệu lực thực thi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, qua các hội nghị lồng ghép, các buổi thông tin cổ động trực quan... với 926 cuộc cho khoảng 80 ngàn lượt người.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tổ hòa giải của các thôn, khu phố đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 185/185 vụ việc, tiến hành hòa giải thành 149 vụ chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Tất cả 20 xã thị trấn của huyện đều được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Với sự chung tay của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, đến nay năng lực tiếp cận pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ở Chi Lăng ngày càng được nâng lên. Người dân đã biết sử dụng luật trong đời sống, hiểu được tầm quan trọng của pháp luật để từ đó tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.