Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra rất phức tạp. Nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 882 trận thiên tai, làm 83 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, nắng nóng vượt mức lịch sử tại Hoà Bình vào cuối tháng 3; sạt lở nghiêm trọng ngày 30/7 tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã vùi lấp 3 chiến sỹ công an và 1 người dân, ngay trước đó là tại TP. Đà Lạt. Gần đây nhất là đợt mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc đầu tháng 8 đã làm 17 người thiệt mạng và mất tích.
Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, thiên tai ở nước ta đang xảy ra ngày một bất thường, cực đoan và trái quy luật. Trẻ em, học sinh chiếm 28% dân số Việt Nam và là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra.
Năm 2000, trận lũ lịch sử xảy ra tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã làm 565 người thiệt mạng (trong đó hơn 300 là trẻ em). Năm 2020 hơn 2,5 triệu trẻ em, học sinh có nguy cơ mắc bệnh do không được tiếp cận với nước uống và môi trường bị ô nhiễm khi thiên tai xảy ra.
Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo hướng đến đối tượng là các em học sinh đã dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tại trung ương và địa phương về phòng chống thiên tai như các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, sự kiện truyền thông kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được tổ chức; nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai những hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Kết quả cho thấy kiến thức và kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng chống thiên tai quốc gia.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2024-2029.
Mục đích của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Đồng thời, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tăng cường nguồn lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 553 ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030".
Đề án này giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đào tạo tập huấn cho giảng viên, giáo viên; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong chương trình giảng dạy; bổ sung tiêu chuẩn "Trường học an toàn trước thiên tai"; đảm bảo an toàn cho học sinh, cơ sở hạ tầng giáo dục khi thiên tai xảy ra…
Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN về quản lý thiên tai 13/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản phát động Cuộc thi nhảy đồng diễn flashmob trên nền nhạc bài hát phòng chống thiên tai “Như cánh diều bay – Flying Kites” 2023.
Cuộc thi nhằm mục tiêu tạo sân chơi bổ ích, lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động ngoại khóa sáng tạo, văn hóa văn nghệ sôi nổi trong trường học. Đây cũng là cơ hội để học sinh, thanh thiếu niên thể hiện cá tính, sáng tạo và gửi gắm thông điệp về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong tháng 8, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tổ chức vòng chung khảo cuộc thi Rung chuông vàng "Cùng em phòng chống thiên tai, kiến tạo tương lai bền vững" tại trường THCS thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống thiên tai cho trẻ em từ trong nhà trường, qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai tập trung cho đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên trong trường học. Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, tăng cường tinh thần đoàn kết, thúc đẩy ý thức học tập kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai cho học sinh; Tạo sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà trường với công tác phòng, chống thiên tai.
Minh An