Thừa Thiên Huế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á với nền nhiệt cao, chịu ảnh hưởng của các hiện tượng EL Nino và La Nina nên phải hứng chịu thời tiết cực đoan như bão, lụt, dông lốc, sạt trượt đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng...
Nhằm nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, vừa qua UBND huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc đã tổ chức đợt tập huấn phòng chống thiên tai.
120 cán bộ là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự tập huấn.
Trước thách thức và tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường việc tập huấn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã của 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lộc giúp nâng cao kiến thức, nhiều kỹ năng trong việc nhận điện để ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn quản lý.
Với chủ đề phòng, chống thiên tai năm 2023 là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu”, định hướng mới trong quản lý thiên tai là chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy cộng đồng làm chủ thể.
Tại đợt tập huấn các học viên được đại diện Chi cục Thủy lợi, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu 5 chuyên đề. Cụ thể: Mô hình tổ chức, hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; Kỹ năng giằng chống nhà cửa ứng phó với bão; Kỹ năng neo đậu tàu thuyền; Hoạt động ứng phó thiên tai lũ quét, sạt lở đất và các hoạt động nhằm ứng phó với tình huống thiên tai đối khu vực ven biển.
Phát biểu bế mạc đợt tập huấn, đồng chí Trần Đình Long, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc đánh giá rất cao tinh thần học tập của các học viên đồng thời yêu cầu các đồng chí được tham gia tập huấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tận dụng các kiến thức được truyền đạt để triển khai ứng dụng trên thực tiễn công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn xã, thị trấn quản lý.
Khuyến nghị của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trước mùa bão lụt hoặc khi hận được thông tin bão đang đến, các hộ gia đình nên thực hiện các biện pháp sau: Theo dõi thông tin “cảnh báo” trước, trong và sau thiên tai từ loa phóng thanh, báo đài, tivi hoặc từ nhiều nguồn thông tin khác.
Xác định địa điểm sơ tán ví dụ: khu vực sơ tán tập trung, hầm trú ẩn, hoặc các nhà kiên cố trong cồng đồng nếu bão có xu hướng mạnh hơn.
Chuẩn bị sẵn sàng và dự trữ đầy đủ nguyên vật liệu như dây thừng, bao cát, băng dính và thanh chặn để cố định cửa trong bão lụt. Đảm bảo các nguyên vật liệu, nhà vệ sinh và nguồn nước được bảo vệ an toàn trước ảnh hưởng của thiên tai.
Đồng thời người dân nên chặt tỉa cành cây để tránh cây đổ gây thiệt hại và chằng chống, gia cố lại nhà cửa.
Để hạn chế thiệt hại xảy ra với người dân ven biển có tàu, thuyền đánh cá khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới cần di chuyển tàu thuyền vào khu vực tránh trú an toàn.
Đối với các tàu đậu ở cửa sông, dọc triền sông, người dân cần neo buộc cố định vào các trụ độc lập dọc bờ sông. Mũi tàu cần hướng ra ngoài, vị trí của tàu so với bờ sông tạo thành góc 450 phòng trường hợp tình huống khẩn cấp. Khi ấy, tàu có thể quay, trở dễ dàng.
Nếu tàu đậu ở bến bãi không có cầu tàu thì phải neo đậu tàu theo hướng thẳng góc 900 so với bờ. Nên sử dụng nhiều lốp (vỏ) xe hơi cũ treo ở thành, mạn, mũi tàu thuyền để hạn chế các tàu va vào nhau. Tuyệt đối không neo đậu tàu dưới hoặc cạnh cầu giao thông và lấy trụ cầu để buộc neo tàu.
Nếu trong vùng neo đậu có nhiều tàu, nên dùng 1 vật bằng kim loại có trong lượng bằng 1/2 neo, treo vào neo để giảm sức căng dây neo và không ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu khác.
Kiểm tra kỹ dây neo khi neo đậu. Đối với tàu thuyền nhỏ, có thể kéo lên bờ, càng xa mép nước càng tốt, kê kích, chằng buộc chắc chắn hoặc có thể tháo máy đưa lên bờ và đánh chìm tàu tại nơi neo đậu.
Nếu khu vực trú bão ở xa thì chủ tàu có thể di chuyển tàu sâu vào trong sông, kênh, rạch. Chọn vị trí khuất gió, quan sát hướng thả neo phù hợp, tốt nhất theo hướng dọc sông, sao cho khi tàu xoay chuyển các hướng mà không bị va chạm chướng ngại vật nào và không bị mắc cạn. Thả 1 – 2 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5 – 7 độ sâu nơi thả neo.
Nếu neo đậu tại các sông miền Trung, cần phải lưu ý lũ sau bão. Không neo đậu tàu giữa sông và không điều động tàu di chuyển khi có lũ mạnh.