Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam” bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ tháng 7/2023 bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một công ty tại Nhật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc hấp thu dinh dưỡng trong 1.000 ngày, bao gồm khoảng 270 ngày từ khi mang thai đến khi sinh con và 730 ngày từ khi trẻ sinh ra đến lúc 2 tuổi, là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì nó có tác động lớn đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là chuyên gia Nhi khoa và Sản phụ khoa của Bộ Y tế, Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đại diện các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề lần này hướng đến tăng cường sự hiểu biết của các bên liên quan về tình hình hiện tại và những khó khăn trong thực trạng xây dựng chế độ ăn uống và dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu tiên cho trẻ em tại Việt Nam, theo đó, phổ biến các kiến thức về chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý cho các đối tượng là nhân viên y tế cũng như người chăm sóc trẻ ở Việt Nam, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú cũng như sự trưởng thành khoẻ mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thông qua Bản hướng dẫn về chế độ này tại Nhật Bản.

Tại Hội thảo, các đại biểu phía Việt Nam đã chia sẻ về những thách thức ở khu vực miền núi phía Bắc và phía Nam, phương pháp và thực trạng về chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu tiên cho trẻ em ở Việt Nam, và báo cáo kết quả chuyến thăm các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Nhật Bản. Cùng với đó, các đại biểu phía Nhật Bản đã trình bày các biện pháp và hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Nhật Bản, cách tiến hành phát triển các chức năng ăn nhai và cai sữa, thiết kế thức ăn cho trẻ em tại Nhật Bản.

Một số đại biểu tham gia đã nhận định về tính hữu ích của Hội thảo trong việc mang đến những thông tin về bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em bên cạnh cách cho trẻ ăn dặm phù hợp. Hội thảo đã cho thấy việc cho trẻ ăn không chỉ cần cân bằng ở góc độ dinh dưỡng mà còn từ góc độ thực phẩm phù hợp với sự phát triển chức năng ăn nhai của trẻ. Đây được cho là cơ hội đã giúp nâng cao nhận thức sâu sắc hơn về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Tại Việt Nam, vẫn còn một số bà mẹ và người chăm sóc trẻ chưa có đầy đủ kiến thức, thông tin về ăn dặm, dẫn tới phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và phát triển của trẻ nhỏ, chẳng hạn như tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn hay tình trạng trẻ béo phì ở khu vực thành thị. Thông qua dự án khảo sát trên, JICA mong muốn đây sẽ là tiền đề  cho hoạt động xây dựng những hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bà mẹ và trẻ em Việt Nam trong tương lai.

Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ hợp tác giữa các ban ngành và tổ chức liên quan trong lĩnh vực dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc hấp thu dinh dưỡng trong 1.000 ngày, bao gồm khoảng 270 ngày từ khi mang thai đến khi sinh con và 730 ngày từ khi trẻ sinh ra đến lúc 2 tuổi, là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì nó có tác động lớn đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

Văn Lợi và nhóm PV, BTV