Các đại biểu tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Đối với biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, nhiều đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định.

Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.”

Đại biểu cho rằng việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này.

Khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm “người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.

Theo đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả, biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng.

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về bạo lực gia đình vào khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật, thêm những người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật quy định quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình.

Hoạt động tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc tại Phú Thọ

Đồng thời đại biểu kiến nghị cân nhắc tâm lý, nguyện vọng của người bị bạo lực gia đình khi muốn được cư trú tại nhà mình nhằm tránh tạo thêm gánh nặng tâm lý cho người bị bạo lực, không nhất thiết phải tạm lánh như quy định ở điểm a, khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là một Luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.

Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này.

Như Sỹ, Huyền Sâm, Nguyễn Sỹ