Thay đổi để ngăn chặn trái đất nóng lên
Trong Bản báo cáo tạm thời về tình trạng khí hậu toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 24 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra tại Katowice (Ba Lan), Tổ chức Khí tượng thế giới (WNO) cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, nhiệt độ trung bình của trái đất cao hơn gần 1°C so với các chỉ số ghi nhận của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Trong 22 năm gần đây, có 20 năm nhiệt độ trái đất đạt trung bình cao nhất, đặc biệt trong thời kỳ 2015-2018 nhiệt độ trung bình đã đứng đầu danh sách. Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới đang hướng tới thực hiện "những thay đổi nhanh chóng và sâu rộng chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội" nhằm tránh trái đất nóng quá mức gây ra thảm họa toàn cầu.
Toàn cảnh dự án nhà máy điện mặt trời BIM 2 |
“Cần phải thấy rõ, nồng độ khí nhà kính, một yếu tố quyết định trong hiện tượng nóng lên toàn cầu, đang có dấu hiệu đạt những ngưỡng kỷ lục mới trong thời gian qua. Nhiệt độ Trái đất đang có nguy cơ tăng lên từ 3 đến 5°C kể từ nay cho đến cuối thế kỷ. Nồng độ khí nhà kính đã một lần nữa đạt đến mức kỷ lục. Nếu chúng ta khai thác tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch, sự gia tăng nhiệt độ sẽ còn đáng sợ hơn", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas phân tích.
Năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng tương lai gần
Trong thông điệp phát đi nhân ngày Khí tượng Thế giới 2019, WMO nhấn mạnh, năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm cả năng lượng mặt trời được lựa chọn là nguồn năng lượng của tương lai gần, nhằm thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu hay than đá - nguồn phát thải CO2 chủ yếu hiện nay.
Còn báo cáo cụ thể mục tiêu của Việt Nam trong việc Ứng phó với tác động của Biến đổi Khí hậu, Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2030 phải giảm khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản biến đổi khí hậu được dự báo. Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển NLTT và hạn chế dần việc sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Nhằm hỗ trợ thích nghi với biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cam kết 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Theo ông John Roome - Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại World Bank cho biết thêm, riêng năm tài khóa 2018 (tháng 6/2017- tháng 6/2018), WB đã đầu tư 20,5 tỷ USD cho hoạt động khí hậu. Trong đó, phần lớn sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt thông qua phát triển các dự án NLTT.
Cận cảnh các tấm pin năng lượng mặt trời |
Khi biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Đó cũng là lý do mà Chính phủ có hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển NLTT để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong ngoài nước từ năm 2017 đến nay. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước với 8 dự án điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại.
Trong đó có thể kể tới Tập đoàn BIM Group là một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực NLTT. Sau khi khánh thành cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3, đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4/2019, với công suất 330MWp, sẽ góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.
Cánh đồng muối Quán Thẻ - Ninh Thuận của BIM Group |
Từ 2019 - 2020, BIM Group sẽ tiếp tục đầu tư điện gió với công suất dự tính 320 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Anh Nguyễn Hải Vinh - Phó Giám đốc BIM Energy cho biết: "Chúng tôi lựa chọn Ninh Thuận vì Tập đoàn BIM có cơ sở ở đây rất lâu. Chúng tôi đã ở Ninh Thuận hơn 10 năm rồi, lúc đó sản xuất muối. Chúng tôi luôn luôn coi sản xuất muối là "solar one on one", năng lượng mặt trời là trên hết, cánh đồng muối là sự chuẩn bị cho điện mặt trời. Giống như điện mặt trời và điện gió, mình phải chọn vùng đất nắng nhiều nhất, bốc hơi lên và gió đẩy đi. Chính vì thế khi có cơ hội điện mặt trời đến chúng tôi tận dụng."
BIM Energy cũng cho biết đang tính toán nhằm giảm tải việc diện tích đất dưới 1,2 ha/Mwp, để phục vụ dự án và vẫn đạt hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. Trong các dự án điện gió và điện mặt trời tới đây sẽ có sự kết hợp nhằm đảo bảo hiệu quả, như cánh đồng muối kết hợp điện gió, hay điện gió kết hợp điện mặt trời, điện gió kết hợp dưới hồ nuôi tôm... để mang lại một sự phát triển bền vững nhất cho địa phương có gắn với dự án của Tập đoàn BIM Group.
Xuân Thạch